Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em

Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn ở trẻ em (ITP) là một chứng rối loạn gây giảm số lượng tiểu cầu trong máu. Chức năng của tiểu cầu là giúp cầm máu, vì vậy số lượng tiểu cầu giảm có thể dẫn đến để bầm tím, chảy máu nướu răng hoặc chảy máu bên trong cơ thể. Số lượng tiểu cầu càng thấp, nguy cơ chảy máu càng cao.
04/08/2022 14:41

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của ITP ở trẻ em là không rõ. Các nguyên nhân đã biết bao gồm: Các vấn đề về hệ thống miễn dịch, nhiễm viruss, một số loại thuốc hoặc vaccine.

Triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em

Một số trẻ thường có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng nào. Các triệu chứng thường găp bao gồm:

-  Dễ bị bầm da tự nhiên, không rõ nguyên nhân

-  Nổi những chấm đỏ trên da, đè không mất (chấm xuất huyết)

-  Chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể: nướu răng, mũi, mắt…

20200907_060451_749776_ha-than-nhiet-tre-so-.max-800x800

(Ảnh minh họa)

-  Chảy máu từ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện: đi cầu phân đen, đi cầu ra máu, ói ra máu…

-  Kinh nguyệt ồ ạt ở trẻ gái lớn (rong kinh)

Bất kỳ chấn thương nào xảy ra, nhất là ở đầu, mà cơ thể không có đủ lượng tiểu cầu để giúp đông máu theo cơ chế tự nhiên đều có khả năng gây đe dọa đến tính mạng.

Chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em

Để chẩn đoán, trước hết bác sĩ sẽ hỏi về những dấu hiệu và triệu chứng mà con bạn gặp phải gần đây. Các Bố Mẹ cũng cần thông báo với bác sĩ về những loại thuốc hay thực phẩm bổ sung mà trẻ đang sử dụng.

Sau đó, trẻ cần phải thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ tế bào tiểu cầu trong máu, đồng thời đánh giá tốc độ đông máu. Và một số xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây bệnh và phân biệt với các bệnh lý khác: Siêu âm , tủy đồ

Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe chung của con bạn. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Có những trường hợp trẻ chỉ cần được theo dõi lượng tế bào tiểu cầu thường xuyên, chặt chẽ cho đến khi cơ thể tự điều chỉnh lại các rối loạn mà không cần có biện pháp điều trị nào khác.

Nếu điều trị, bác sĩ có thể lựa chọn những phương pháp sau:

Sử dụng thuốc. Các thuốc được dùng sẽ giúp ngăn chặn hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào tiểu cầu. Thuốc cũng giúp tăng lượng tiểu cầu lên và đề phòng chảy máu quá mức. Trẻ có thể được dùng thuốc qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Truyền tiểu cầu. Phương pháp này thường được chỉ định khi nồng độ tiểu cầu quá thấp. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu truyền tiểu cầu để giúp cầm máu trước khi thực hiện phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ lá lách. Cách này hiếm khi được chỉ định nhưng có những trường hợp trẻ cần phẫu thuật cắt bỏ lá lách để ngăn cơ thể phá hủy tiểu cầu nhiều hơn bình thường.

Chăm sóc tại nhà

- Dùng thuốc theo chỉ định của Bác Sĩ và tái khám theo hẹn. Tái khám ngay khi có dấu hiệu xuất huyết.

Khi uống thuốc Corticosteroids lưu ý: uống lúc bụng no. Thuốc có tác dụng phụ là tăng cân, tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn giấc ngủ hay tinh thần, loãng xương, viêm dạ dày khi dùng kéo dài.

- Trong những hoạt động thường ngày, hạn chế bị mất máu . Ví dụ như không nên sử dụng bàn chải có lông quá cứng để phòng ngừa chảy máu nướu hay sử dụng son dưỡng ẩm cho trẻ khi thời tiết hanh khô để tránh nứt nẻ da gây chảy máu. Cũng không nên cắt móng tay, móng chân cho trẻ quá ngắn vì đầu các ngón tay, ngón chân sẽ dễ bị thương hơn. Thường xuyên nhắc nhở trẻ mang giày, dép để bảo vệ bàn chân.

- Hạn chế để trẻ chơi các môn thể thao tiếp xúc mạnh hay các hoạt động có khả năng gây ra nhiều thương tích như đấm bốc, bóng đá, bóng rổ… Nếu trẻ bị thương hay chảy máu cam, hãy cố gắng dùng băng gạc hay khăn sạch để cầm máu ngay lập tức.

- Không được uống aspirin hay ibuprofen. Paracetamol có thể sử dụng nếu trẻ cần giảm đau hay hạ sốt.

Bị giảm tiểu cầu ăn gì để tăng tiểu cầu?

Các thực phẩm giàu omega-3, vitamin, sắt và các khoáng chất khác giúp chống lại các kháng thể và cũng làm tăng số lượng tiểu cầu. Bạn cũng có thể tiêu thụ các loại trái cây như đu đủ, kiwi, cam, quả mọng ... để giúp tăng số lượng tiểu cầu.

Vitamin B-12: Vitamin này giúp giữ cho các tế bào máu khỏe mạnh. Thiếu B-12 có liên quan đến tiểu cầu thấp trong sốt xuất huyết. Có những thực phẩm này để tăng tiểu cầu: Gan bò, sò, trứng, sản phẩm sữa...

Sắt: Sắt giúp sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh. Bạn có thể tiêu thụ những thực phẩm có chứa chất sắt rất quan trọng đối với sức khỏe và số lượng tiểu cầu trong sốt xuất huyết: Con trai sông, hạt bí ngô, hhậu lăng, thịt bò...

Vitamin C: đóng một vai trò quan trọng giúp tiểu cầu hoạt động hiệu quả. Nó cũng giúp hấp thụ sắt giúp tăng số lượng tiểu cầu trong sốt xuất huyết. Nguồn vitamin C tốt bao gồm: Xoài, trái dứa, bông cải xanh, ớt chuông xanh hoặc đỏ, cà chua, súp lơ...

Theo Bệnh viện Sản nhi Nghệ An

comment Bình luận

largeer