Triệu chứng ngộ độc sắn và cách xử trí

Sắn (hay còn gọi là khoai mì) là cây lương thực lâu năm thuộc họ đại kích. Sắn là loại củ rất giàu Carbohydrat cũng như protein và các khoáng chất, nhờ vào khả năng sống trong điều kiện khắc nghiệt nên sắn được trồng rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy rất giàu chất dinh dưỡng vậy nhưng ăn sắn tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc mà không phải ai cũng biết.
02/02/2023 15:02

Nguyên nhân gây ngộ độc sắn

Tại sao vốn là cây lương thực mà sắn có thể gây ngộ độc, liệu tất cả các loại sắn đều có thể gây ngộ độc như nhau:

Sắn gồm 2 loại: Giống sắn ngọt có cuống màu đỏ, củ sắn màu trắng ít gây độc hơn và giống sắn đắng với cuống màu xanh, củ sắn có các đường màu đen chạy dọc hay gây ngộ độc.

Tất cả các bộ phận ăn được của cây sắn đều chứa glycoside cyanogenic (glycoside amygdalin). Bản thân Glycoside cyanogenic vốn không hề độc, nhưng khi ăn sắn vào Glucoside cyanogenic sẽ bị enzyme β-gluconidase do các chủng vi khuẩn ở ruột thủy phân thành glucose, aldehyd và axit cyanhydric (HCN).

HCN là một acid rất độc, trong sắn ngọt có 20-30mg HCN/kg củ tươi, trong sắn đắng thì có tới 60-150mg HCN/kg củ tươi. Thực tế chứng minh chỉ cần 20mg HCN sẽ gây ngộ độc và 50 mg HCN sẽ làm một người tử vong. HCN khi vào cơ thể sẽ ức chế trung tâm hô hấp, tuần hoàn và điều nhiệt gây suy hô hấp, chiếm cytocromoxydase của hồng cầu tạo cyanohemoglobin gây tím tái ngạt tế bào.

Triệu chứng ngộ độc sắn và cách xử trí. Ảnh minh họa

Triệu chứng ngộ độc sắn và cách xử trí. Ảnh minh họa

Biểu hiện thường gặp khi ngộ độc sắn

Làm thế nào để nhận biết được một người đang bị ngộ độc sắn:

- Không khó để nhận biết 1 người bị ngộ độc sắn nếu biết họ sau khi ăn sắn bắt đầu xuất hiện các biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, nếu không khai thác được tiền sử bệnh mà chỉ căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng thì thường dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.

- Tùy vào lượng HCN trong sắn mà sẽ gây ra các biểu hiện ngộ độc từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng của ngộ độc sắn thường xuất hiện sau ăn lương thực này vài giờ (thường là 4-6 giờ).

- Ngộ độc nhẹ: Người bệnh thường chỉ xuất hiện các biểu hiện như: người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nóng bừng mặt, ù tai, mắt đỏ, khô hầu họng, đau bụng, cảm giác đầy bụng, buồn nôn và nôn ít.

- Ngộ độc nặng: Ban đầu chỉ là cảm giác đau đầu chóng mặt kèm theo nôn ói, đi cầu phân lỏng. Sau đó nặng dần với các biểu hiện: khó thở, kích thích, co giật, co cứng toàn thân, cứng hàm, đồng tử giãn, hôn mê, tím tái, nhịp tim chậm dần, thậm chí ngưng tim.

Xử trí như thế nào khi bị ngộ độc sắn

- Ngộ độc sắn thường xảy ra vài giờ sau ăn nên cần xử trí nhanh chóng để giúp loại bỏ bớt cũng như trung hoà HCN. Nếu xử trí tốt người bệnh có thể khỏi hẳn hoàn toàn mà không để lại bất cứ đi chứng nào. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của ngộ độc mà có các hướng xử trí như gây nôn, cho uống nước mía, nước đường hay rửa dạ dày, tiêm xanh methylen (như coloxyd, glutylen 1%), truyền glucose.…

Xử trí như thế nào khi bị ngộ độc sắn. Ảnh minh họa

Xử trí như thế nào khi bị ngộ độc sắn. Ảnh minh họa

- Đối với các trường hợp nhẹ: Có thể xử trí tại nhà bằng việc gây nôn bằng cách kích thích vùng họng, cho người bệnh uống nước đường hoặc nước mía và nghỉ ngơi tại giường.

- Đối với trường hợp nặng: Cần xử lí cấp cứu kịp thời. Nếu không người bệnh có nguy cơ tử vong trong 30 phút. Nếu người bệnh còn tỉnh thì tiến hành gây nôn, cho uống nước mía, nước đường sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất. Trong trường hợp người bệnh giảm ý thức hoặc hôn mê thì chuyển ngay tới bệnh viện gần nhất để xử trí. Không gây nôn khi bệnh nhân đang kích thích hoặc hôn mê bởi nguy cơ gây hít chất nôn vào phổi.

Các biện pháp phòng ngộ độc sắn

- Ngộ độc sắn là tai nạn rất dễ xảy ra. Nên chọn sắn ngọt thay vì sắn đắng. Chế biến sắn ngay khi đem về, nếu chưa chế biến ngay thì nên vùi xuống đất. Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc sắn thì yêu cầu quá trình chế biến sắn phải kĩ càng. Lột sạch vỏ, cắt bỏ 2 đầu của củ sắn, ngâm nước từ 12-24 giờ trước khi luộc (tốt nhất là ngâm nước vo gạo).  Nên luộc kĩ với nhiều nước, tốt nhất là luộc 2 lần. Trong quá trình sôi nên mở vung. Sắn sau luộc thì lượng HCN giảm còn 30% so với ban đầu.

- Ăn sắn với đường hoặc mật để trung hoà acid HCN giảm nguy cơ ngộ độc. Tốt nhất nên chế biến sắn dưới dạng chè sắn.

- Sắn thái lát mỏng phơi khô hay bột sắn là những phương pháp chế biến ít khả năng gây ngộ độc.

- Không nên ăn sắn buổi tối bởi khó nhận biết các dấu hiệu ngộ độc sắn khi người bệnh đã đi ngủ.

Theo Thầy thuốc Việt Nam

comment Bình luận

largeer