Trúc tiết liễu điều trị mụn nhọt, viêm mủ da, rết cắn

Trúc tiết liễu còn có tên gọi khác là trúc tiết, lân bách… Đây là loại cây thường được dùng với tác dụng trang trí cảnh quan. Tuy nhiên, ngoài công dụng làm cảnh thì nó còn nhiều công dụng khác, trong đó có làm thuốc.
16/04/2024 17:50

Trúc tiết liễu là cây gì?

Trúc tiết liễu là loại cây nhỡ tán xõa um tùm như liễu, có tên khoa học là Muehlenbeckia platyclada. Nhìn chung, thân cây trúc tiết liễu cao không quá 3m và bề mặt thân lá nhẵn bóng, sờ vào rất mát. Các nhánh của cây đều mỏng, chia đốt và hơi dẹt nên trông giống lá cây (trong khi lá thực sự của nó có hình ngọn giáo và khá nhỏ so với thân nhánh). Hoa của cây có màu trắng, quả màu đỏ tía.

Được biết, cây trúc tiết liễu ra hoa quanh năm và bạn có thể nhân giống từ hạt hoặc chồi.

tietlieu

Cây trúc tiết liễu (Ảnh: Caythuoc.org)

Trúc tiết liễu có công dụng gì?

Ở nước ta cũng như ở Trung Quốc, trúc tiết liễu chủ yếu được dùng ngoài da vì công hiệu của nó khá rõ rệt.

Cách dùng ngoài da: Theo lương y Võ Văn Chi, dân gian thường dùng cây thuốc này trong các trường hợp như:

- Điều trị viêm mủ da và mụn nhọt (y học cổ gọi là ung sang thũng độc).

- Dùng đắp lên các vết bầm tím ngoài da.

- Dùng sơ cứu khi bị rắn độc hoặc rết cắn (sau khi sơ cứu thì đến bệnh viện).

Cách dùng: Lấy thân nhánh tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên.

Cách làm thuốc uống: Trúc tiết liễu cũng được dùng làm thuốc uống trong các trường hợp như:

- Té ngã tổn thương, tụ máu bầm: Lấy 60g trúc tiết liễu, xắt nhỏ ra, nấu với rượu rồi chắt nước uống. Với phần xác thuốc thì bạn đắp vào chỗ đau (đợi hết nóng mới đắp).

- Điều trị mụn nhọt (thanh nhiệt giải độc), hành huyết khư ứ: Lấy 12 – 20g toàn cây, xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng.

Các nghiên cứu đáng ghi nhận

Theo Tạp chí Journal of Ethnopharmacology, trúc tiết liễu có chứa các hoạt chất có tác dụng chống viêm, đó là lý do vì sao dân gian Thái Lan đã dùng cây này trong các bài thuốc chống viêm của mình.

Bên cạnh đó, theo Tạp chí International Journal of Molecular Sciences, chiết xuất ethanol từ lá cây cây trúc tiết liễu cũng được nghiên cứu trên mô hình động vật và cho thấy hoạt tính chống viêm phù do nhiễm trùng. Vì vậy, loại cây cảnh này được xem là có tiềm năng dược thảo trong tương lai (cần khám phá thêm để có thể ứng dụng và điều trị thực tiễn).

Nhìn chung, trên thế giới, tác dụng làm thuốc của cây trúc tiết liễu chưa được biết đến nhiều. Hiện tại, các công dụng chủ yếu của nó đều dựa theo kinh nghiệm dân gian và chưa có nhiều nghiên cứu khoa học để minh chứng.

Mặc dù vậy, nó vẫn được yêu quý với vẻ ngoài xanh mát và những công dụng ngoài da. Hy vọng trong tương lai, trúc tiết liễu sẽ được nghiên cứu nhiều hơn.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer