Tư tưởng “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” trong bản Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc trước khi Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.
01/09/2023 06:57

Từ rất sớm, trong hành trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã đánh giá cao vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do vậy, trong tư tưởng của Người luôn đau đáu một điều là làm thế nào để tiếp tục phát huy được sức mạnh của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần quan trọng để nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên. Qua đó thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Người chỉ rõ vai trò của thanh niên và nhấn mạnh công tác giáo dục thanh niên để họ tiếp tục phát huy vai trò, sức mạnh của mình trong sự ngiệp cách mạng của đất nước: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” (1).

Ảnh minh họa: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Ảnh minh họa: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ việc chỉ ra vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết để thanh niên tiếp tục phát huy vai trò của mình thì việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên về lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” trong Di chúc thể hiện nhãn quan chính trị sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển tương lai của đất nước, vận mệnh của dân tộc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động, lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đến việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Thanh niên chính là đối tượng đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Ngay sau khi từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc – tháng 11/1924), thông qua sự giới thiệu của cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã gặp những thanh niên, trí thức yêu nước, tổ chức và giác ngộ họ. Trong báo cáo gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ là đã lập nhóm bí mật Cộng sản đoàn gồm 9 hội viên, trong số đó có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng cộng sản và sẽ thiết lập một cơ sở bí mật tại Quảng Châu (2). Trên cơ sở những điều kiện đã được chuẩn bị, tháng 6/1925 Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong tổ chức này, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những thanh niên, trí thức trẻ yêu nước Việt Nam, giác ngộ và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cho họ, định hướng và dẫn dắt họ đi theo con đường mà Người đã lựa chọn: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ năm 1925 đến năm 1927, Hội đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách, giảng dạy cho 75 cán bộ. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn được gửi về nước hoạt động, một số tiêu biểu được cử đi học tiếp tại Trường Đại học Phương Đông và Trường quân sự Hoàng Phố, sau này trở thành những lãnh đạo cốt cán của Đảng. Những thanh niên Việt Nam yêu nước lần lượt đến Quảng Châu nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những “trái ngọt đầu mùa” của chủ trương “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Người.

Xuất phát từ sự đánh giá vị trí, vai trò của thanh niên đối với cách mạng, sự tin tưởng và lòng yêu thương đối với thế hệ trẻ, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có tri thức văn hóa, khoa học – kỹ thuật, làm cho họ trở thành những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong công tác giáo dục thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà trường, gia đình và xã hội. Theo Người, “Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa,… Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: Học đi đôi với lao động. Lý luận đi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm”; “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn và sửa chữa”. Đó là một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của thanh niên; làm cho họ trở thành những công dân dũng cảm, cán bộ gương mẫu, người chủ xứng đáng của đất nước. Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, Người đã viết 23 bức thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, qua đó chúc mừng, khích lệ, động viên thầy và trò trong cả nước; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng, trách nhiệm của ngành giáo dục đối với công tác đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ phục vụ cách mạng; nhắc nhở thế hệ trẻ cần thường xuyên học tập lý luận cách mạng, tích cực học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật, sử dụng những tri thức đã học được để xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác giáo dục thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bởi vì “đạo đức là gốc của người cách mạng”. Ngày 7/5/1958, trong lần về dự Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, Người nhấn mạnh: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài”. Trong Di chúc, Người tiếp tục chỉ rõ: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức các mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Thanh niên không chỉ cần được giáo dục về đạo đức mà còn cần được giáo dục, bồi dưỡng tri thức về lý luận, văn hóa, khoa học – kỹ thuật. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của cách mạng, của đất nước, để nước Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì cần phải có đội ngũ thanh niên vừa có đức, vừa có tài. Muốn vậy, mỗi thanh niên Việt Nam phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng, hăng say học tập, trong đó có học tập lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Dù bận “trăm công nghìn việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho thanh niên thông qua hàng trăm bài viết, thư thăm hỏi động viên, bài nói chuyện trực tiếp khi dự các hội nghị, đại hội của thanh niên. Thông qua đó, Người động viên, khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã đạt được, đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra những thiếu sót còn tồn tại. Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ngày 15/10/1956, Bác nhắc nhở trách nhiệm của tuổi trẻ với phong trào thi đua yêu nước: “... thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do, có Đảng, có Đoàn của mình, có chính quyền, có mặt trận, có quân đội của mình, là người chủ tương lai của nước nhà mình. Chính vì là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”. Ngày 24/3/1961, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác đã nhắc nhở thanh niên “cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, phải thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”. Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, ngày 25/3/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào, vui sướng trước những đóng góp to lớn của thanh niên với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người  “thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” thể hiện tình cảm sâu sắc, sự yêu mến, tin tưởng của Hồ Chủ tịch đối với thế hệ trẻ. Đồng thời cũng thấy rõ tư duy biện chứng đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Người trong việc đánh giá vai trò của thanh niên Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, sự phát triển của đất nước trong tương lai. Tư tưởng về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” chính là sợi chỉ đỏ trong công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên hiện nay.

Thấm nhuần và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, đến nay, nhiều thế hệ cách mạng đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp nhiều công lao to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, kế thừa truyền thống hào hùng của các bậc đàn anh đi trước, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, dày công vun đắp. Họ đang chứng tỏ vai trò là những người chủ nhân tương lai của đất nước khi đã và đang thể hiện bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mình. Không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện, hăng say lao động sản xuất, áp dụng thành tựu khoa học – công nghệ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn, một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tiễn cho thấy có rất nhiều phong trào thi đua thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh sinh viên tham gia, thực hiện, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới như: Thanh niên tình nguyện, Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ học đường, Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Lễ hội Xuân Hồng,… Những đóng góp của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh, ghi nhận. Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay vẫn luôn xứng đáng với niềm tin yêu, khen ngợi, sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 612

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr. 141.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.24

Thạc sĩ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

comment Bình luận

largeer