Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Ứng dụng y học hiện đại trong phòng chống đột quỵ

Tại "Hội thảo khoa học: Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ" diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có bài tham luận về "Ứng dụng y học hiện đại trong phòng chống đột quỵ".
11/04/2025 17:36

Thế nào là đột quỵ

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não (TBMMN). Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bị thiếu oxy, không đủdinh dưỡng để nuôi các tế bào dẫn đến nguy cơ tổn thương nếu không được cứu chữa kịp thời.

Định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): TBMMN là sự xảy ra đột ngột các tổn thương chức năng thần kinh, thường khu trú hơn là lan tỏa, tồn tại quá 24 giờ hoặc gây tử vong trong 24 giờ, loại trừ cácổn thương chức năng thần kinh do chấn thương hoặc do các nguyên nhân khác như u não, viêm não...

IMG_6928

PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức báo cáo tham luận tại Hội nghị

Nguy cơ xảy ra sau đột quỵ

Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết: Tế bào não có thể chịu đựng được thiếu oxy trong vòng 4 phút, từ 6 phút não bắt đầu bị tổn thương, nếu quá 10 phút thiếu oxy hầu như tế bào não không có khả năng hồi phục.

Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm.

Hiện nay, WHO cảnh báo, đột quỵ không còn là căn bệnh của người già và phổ biến từ tuổi 60 như trước. Khoảng 10-15% ca đột quỵ trên toàn thế giới xảy ra ở người dưới 45 tuổi. Con số này đang gia tăng báo động, đặc biệt ở đô thị phát triển nhanh.

Tại Việt Nam, năm 2023, Bộ Y tế ghi nhận 57% số ca đột quỵ là người dưới 45 tuổi, có xu hướng ngày càng phổ biến những năm gần đây. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, tỷ lệ này còn cao hơn, liên quan lối sống và áp lực công việc trong môi trường đô thị hóa. Tỷ lệ đột quỵ ở nhóm thanh thiếu niên chỉ 3-5%.

Các thể đột quy

Đột quỵ có hai thể gồm:

Đột quỵ thể thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não): Chiếm tới 82% hoặc hơn. Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính (acute ischemic stroke) hay còn gọi là nhồi máu não là tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não làm mất chức năng thần kinh tương ứng, thường do nguyên nhân cục máu đông.

Đột quỵ thể chảy máu não (xuất huyết não): Chiếm khoảng 18%. Chảy máu não là sự xuất hiện của máu ở trong nhu mô não, có thể kèm theo máu ở trong khoang dưới nhện và các não thất, nguyên nhân do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ từ mạch máu trong não.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quy nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Tuy nhiên đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý để phòng tránh.

Các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ

Nguyên nhân nhồi máu não:

Nguyên nhân phổ biến: Xơ vữa các động mạch não: ở người bệnh mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, nghiện thuốc lá, nghiện rượu...

Các huyết khối đến từ tim: Bệnh hẹp hở van tim, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim

Các nguyên nhân khác: Bóc tách động mạch não; Viêm động mạch; Các bệnh về máu: Đa hồng cầu, rối loạn đông máu...

Nguyên nhân chảy máu não:

- Tăng huyết áp động mạch: Chiếm 70 đến 80% nguyên nhân xuất huyết não, đặc biệt ở người có tuổi.

- Dị dạng mạch máu não: vỡ túi phồng động mạch não hoặc u mạch não kiểu thông động tĩnh mạch, gặp ở người trẻ.

- Các rối loạn đông máu.

- Bệnh mạch máu nhiễm tinh bột.

- U não vỡ.

- Viêm nhiễm động tĩnh mạch...

dotquy

(Ảnh minh họa: TN)

Dự phòng đột quỵ trong y học hiện đại

Dự phòng tiên phát (cho những người có nguy cơ đột quỵ)

Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả (nhóm nguy cơ cao), nhất là những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, rối loạn mỡ máu, tiền sử gia đình... để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm dễ gây ra đột quỵ.

Điều trị một số bệnh nguy cơ và thay đổi thói quen sinh hoạt

- Sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu (theo chỉ định).

- Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid và ổn định mảng xơ vữa bằng Statin.

- Kiểm soát huyết áp, đái tháo đường.

- Chế độ ăn uống và sinh hoạt: Cai thuốc lá, rượu bia và tập thể dục.

Khám sàng lọc

Khám sàng lọc phát hiện nguy cơ đột quỵ hoặc đột quỵ giai đoạn sớm chủ yếu dựa vào chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cắt lớp vi tính sọ não

Theo khuyến cáo năm 2019 của Hội Đột quỵ Mỹ (ASAAmerican Stroke Association) chụp cắt lớp vi tính đóng vai trò quan trọng trong thăm khám ban đầu ở người bệnh đột quỵ não nhằm phân biệt tổn thương thiếu máu và chảy máu, đồng thời xác định mức độ tổn thương, vị trí mạch tắc với kỹ thuật đa dạng.

Đây là phương pháp có thể được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện và có tính phổ biển cao, phù hợp với tính chất và yêu cầu trong cấp cứu đột quỵ não.

Chụp cộng hưởng từ sọ não

Hiện nay chụp cộng hưởng từ (MRI) được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán đột quỵ với ưu điểm:

- Là kỹ thuật hiện đại, mang lại nhiều thông tin bổ sung ở người bệnh đột quỵ.

- Có thể phát hiện tổn thương thiếu máu hay chảy máu não ngay ở giai đoạn rất sớm.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác

- Siêu âm Doppler xuyên sọ là công cụ hữu ích đánh giá các mạch máu đoạn gần như động mạch não giữa, động mạch cảnh đoạn trong sọ, động mạch sống nền.

- Siêu âm tim: Khi nghi ngờ huyết khối từ tim gây tắc mạch.

- Chụp CT mạch não là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn hữu ích trong bệnh cảnh chảy máu não cấp giúp phát hiện bất thường mạch máu.

- Chụp động mạch não số hóa nền (DSA- Digital Subtraction Angiography) thuốc cản quang sẽ được tiêm vào cơ thể giúp nhuộm và hiển thị rõ nét các mạch máu tại các bộ phận cần khảo sát.

Phát hiện sớm dấu hiện đột quỵ

Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:

- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường (thất điều). Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.

- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ, nhìn đôi (song thị).

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

- Mất ý thức đột ngột

Năm 1988, khái niệm FAST được đầu tiên phát triển tại Anh bởi nhóm các bác sỹ cấp cứu và cứu thương để mô tả những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Năm 2013 chính thức được ASA sử dụng nhận biết đột quỵ bao gồm các biểu hiện sau:

Các khuyến cáo phát hiện sớm đột quỵ cập nhật khác hiện nay dựa trên FAST có BEFAST năm 2017 (Balance Eyes Face Arms Speech Time), FASTER năm 2021 (Face Arms Stability Talking Eyes React) được phổ biến cho ưu điểm phát hiện sớm hơn so với FAST.

Dự phòng tái phát (cho người bệnh đã mắc đột quỵ)

- Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh nhất là đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

- Sử dụng Bảng đánh giá nguy cơ đột quỵ dựa trên thang điểm Stroke Risk Score Card (Hiệp hội Đột quỵ Mỹ -ASA) dễ áp dụng trong cộng đồng, bạn có thể tự đánh giá mức độ nguy cơ.

Kết luận

Đột quỵ khá phổ biến hiện nay, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi. Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới.

Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

Khám sức khỏe để sàng lọc, nhất là những người có nguy cơ giúp phát hiện sớm để xử lý kịp thời giúp giảm nguy cơ tử vong và biến chứng.

Y học hiện đại hiện nay áp dụng nhiều kỹ thuật giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh, cùng với nâng cao nhận thức của người dân sẽ hiệu quả trong dự phòng đột quỵ, nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong và biến chứng bệnh.

Thu Trang

comment Bình luận