Vĩnh Phúc: Cứu sống nam thanh niên bị ho ra máu do giãn động mạch phế quản

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc vừa nút mạch cứu sống nam bệnh nhân 29 tuổi, bị ho ra máu do giãn động mạch phế quản.
10/06/2024 16:07

Bệnh nhân B.T.H. (29 tuổi, trú tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khi liên tục ho ra máu tươi. 

Các bác sĩ đã tiến hành chụp cắt lớp vi tính, phát hiện có hình ảnh giãn phế quản ở thùy dưới bên phải, kèm theo hình ảnh nghi ngờ có dị dạng động mạch phổi.

Sau khi hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định chụp mạch phế quản dưới hệ thống số hóa xóa nền (DSA), đồng thời can thiệp xử trí nút tắc các nhánh động mạch phế quản tại các búi giãn ở thùy giữa và thủy dưới phổi bên phải.

z5525274797223_805d60db4a54fd1af9a05b06b96ce9c7

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, phục hồi tốt và được chỉ định ra viện sau 7 ngày điều trị.

Bác sĩ Bùi Đức Thọ, Khoa Cấp cứu cho biết: Trên những người bệnh ho ra máu do giãn phế quản thường liên quan đến giãn hệ thống động mạch phế quản kèm theo, đây là hệ thống động mạch nuôi dưỡng cho phế quản và phế nang của phổi. Những búi giãn đó khi người bệnh ho kích thích sẽ tiếp tục vỡ ra và chảy máu, nguy cơ sẽ bị ho ra máu sét đánh - là mức độ nặng nhất của ho ra máu khi máu chảy ồ ạt tràn ngập hai phổi gây ngạt thở, nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Ho ra máu là tình trạng bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân như lao phổi, ung thư phổi, bệnh lý giãn phế quản, tắc động mạch phổi, có dị vật đường hô hấp… với nhiều mức độ, trong đó trường hợp ho ra máu sét đánh nguy cơ nguy hiểm cao. Vì vậy, khi người bệnh gặp tình trạng ho ra máu, dù ho có lượng máu ít hay nhiều đều cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer