Vĩnh Phúc: Mổ cấp cứu sản phụ bị sa dây rốn cấp, thành công cứu sống bé trai nặng 3,6 kg

Ngày 15/12/2023, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành mổ cấp cứu cho sản phụ D.T.T, 37 tuổi bị sa dây rốn cấp, thành công cứu sống bé trai nặng 3,6 kg.
26/12/2023 08:46

Sa dây rốn là một biến chứng sản khoa nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, tỉ lệ tử vong của trẻ rất cao.

Được biết, sản phụ T mang thai lần thứ 4, trong quá trình chuyển dạ, cán bộ hộ sinh thăm khám và phát hiện ối của sản phụ đã vỡ, dây rốn lọt xuống trước. Ngay lập tức, các hộ sinh, Bác sĩ đã kích hoạt báo động tối cấp cứu, thông báo với khoa Gây mê, khoa Sơ sinh phối hợp và nhanh chóng chuyển sản phụ sang phòng mổ để thực hiện phẫu thuật cấp cứu lấy thai.

d

Trong quá trình di chuyển, cán bộ hộ sinh phải liên tục giữ tay đẩy đầu thai nhi lên để tránh tình trạng kẹt dây rốn giữa đầu thai nhi và khung chậu người mẹ, luôn luôn kiểm soát tim thai. Đồng thời, tại phòng phẫu thuật bác sĩ, kĩ thuật viên đã khẩn trương chuẩn bị các vật dụng, trang thiết bị cần thiết cho ca mổ cấp cứu. Bằng những kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản khoa, cùng sự phối hợp chuyên nghiệp, nhịp nhàng với các chuyên khoa Gây mê hồi sức và khoa Sơ sinh. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút Ekip mổ đã lấy ra thành công 1 em bé trai khỏe mạnh nặng 3,6 kg.

Sau 5 ngày phẫu thuật lấy thai, sức khỏe của sản phụ T ổn định, vết mổ khô. Em bé da hồng hào, bú tốt, không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

BSCKI. Đỗ Thị Hương, Phó Trưởng khoa Phụ sản cho biết: Sa dây rốn là biến chứng có thể xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Thông thường cứ 300 trẻ chào đời có 1 trường hợp bị sa dây rốn. Đây là tình trạng cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp. Khi ấy cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông, hoặc sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ. Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng em bé sẽ bị ngừng tuần hoàn trong vòng 30 phút.

Một số trường hợp sản phụ có nguy cơ cao bị sa dây rốn như: Đa thai, đa ối, ngôi thai bất thường, sinh nở nhiều lần, khung chậu hẹp hay méo, tử cung bất thường, nhau thai bám thấp, ối vỡ đột ngột, dây rốn quá dài.

Cho đến nay, chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Do vậy, điều quan trọng nhất là mẹ bầu cần đi thăm khám thai định kì tại các cơ sở y tế uy tín để theo dõi sát sao quá trình mang thai cho đến khi sinh con an toàn.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer