Y tế cơ sở là "trụ cột" để sống chung với COVID-19

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện hai trụ cột chính trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn dân gồm: an ninh y tế/kiểm soát dịch bệnh (củng cố các chức năng y tế công cộng thiết yếu) và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đảm bảo cung ứng các dịch vụ y tế thiết yếu, bao phủ vaccine phòng COVID-19 toàn dân.
22/11/2021 16:39

Nhằm nêu lên những thách thức và đáp ứng của y tế cơ sở trong phòng chống COVID-19, cùng với đó là vai trò y tế cơ sở và các ban ngành đoàn thể trong phòng chống dịch, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phối hợp với Hội Quân dân Y Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn trực tuyến “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe: Thích ứng an toàn với COVID-19”. 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.BS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Do đó, việc tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe thích ứng an toàn COVID-19” là rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Theo khuyến nghị từ đại diện của WHO tại Việt Nam, hiện hai trụ cột chính trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn dân gồm: an ninh y tế/kiểm soát dịch bệnh (củng cố các chức năng y tế công cộng thiết yếu) và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đảm bảo cung ứng các dịch vụ y tế thiết yếu, bao phủ vaccine phòng COVID-19 toàn dân. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tóm tắt biễn biến của dịch tại TPHCM, PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng -  Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hai trụ cột y tế ứng phó với dịch COVID-19 tại TPHCM thời gian qua gồm: triển khai mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị người bệnh COVID-19; tổ chức cách ly điều trị và chăm sóc F0 tại nhà. Hai trụ cột y tế này nhận được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nhiều tỉnh thành trên cả nước và các tổ chức tình nguyện. Trong đó, mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà đã thực sự phát huy hiệu quả làm giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Từ thực tiễn, PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng cho rằng vai trò của y tế cơ sở, cụ thể là trạm y tế, đã được khẳng định qua thực tiễn chống dịch tại TPHCM. Để y tế cơ sở phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, 2 điều kiện không thể thiếu đó là: bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho y tế cơ sở; trạm y tế là một mắt xích trung tâm trong các chuỗi mắt xích cung ứng các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, đào tạo y học gia đình chính là giải pháp then chốt tăng cường y tế cơ sở. Bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên khoa có kiến thức tổng quát, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn diện, liên tục, cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xung quanh phòng khám của mình. Bác sĩ gia đình chăm sóc ban đầu, chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khác khi cần thiết và có đầy đủ hồ sơ sức khỏe của từng bệnh nhân. “Việc triển khai mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế. Trong đó, hiệu quả lớn nhất mà hoạt động bác sĩ gia đình mang lại đó là giảm chi phí y tế, tăng tuổi thọ người dân, giảm tỷ lệ bệnh nặng, tăng sự hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế, tạo sự công bằng trong chăm sóc y tế”, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng hệ thống y tế cần đảm bảo chức năng an ninh y tế, phát hiện sớm - kiểm soát dịch bệnh. Để thích ứng an toàn với đại dịch, đưa cuộc sống trở về bình thường mới, Việt Nam cần đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 trong toàn dân, tuân thủ thông điệp 5K, củng cố năng lực hệ thông y tế, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiệu quả và tiếp cận toàn xã hội.

Theo tiến sĩ Park. "Muốn củng cố năng lực hệ thống y tế cần đạt được hai mục tiêu (trụ cột), một là đảm bảo đáp ứng kiểm soát dịch, hai là đảm bảo các dịch vụ y tế công để chăm sóc sức khỏe toàn dân ngay cả khi có đại dịch".

Cũng theo khảo sát của WHO cho thấy 36 quốc gia báo cáo COVID-19 ảnh hưởng tới hơn 50% các dịch vụ y tế thiết yếu; 66% các nước báo cáo bị đứt gãy cung ứng dịch vụ y tế thiết yếu do thiếu nhân viên y tế. Tổng số ca tử vong trực tiếp do COVID-19 tính đến tháng 6 là 3,8 triệu người. Trong khi đó, tổng số tử vong gián tiếp do đại dịch, riêng năm 2020 là trên 3 triệu người, ước tính tương đương với số tử vong do COVID-19.

Những quốc gia có hệ thống y tế yếu, đặc biệt là hệ thống khám chữa bệnh ban đầu, gặp nhiều thách thức trước COVID-19 và các đại dịch trong tương lai. Các quốc gia thu nhập thấp, trung bình thường không cung cấp đủ nguồn lực công cho chức năng y tế công cộng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Ngân sách nhà nước chi nhiều trong khi thu vào ít, gây thâm hụt ngân sách.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết: "Từ những bài học rút ra sau đại dịch, đây là lúc nhìn nhận lại cấu trúc và trọng tâm của hệ thống y tế quốc gia, đồng thời xác định lại các lĩnh vực cần ưu tiên trong chính sách chi tiêu công. Đảm bảo sức khỏe là đảm bảo được phát triển kinh tế".

Ở trụ cột thứ nhất cần đảm bảo chuỗi cung ứng, hệ thống mua sắm hoặc đấu thầu hàng hóa vật tư thiết yếu, bao gồm: vaccine, oxy, thuốc; thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE); kit xét nghiệm, các vật tư khác; thiết bị bảo quản lạnh vaccine. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhân viên y tế. Chức năng của mục tiêu này là giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, đáp ứng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe công cộng, phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe,dịch vụ y tế công cộng như nước sạch, xử lý chất thải; bao phủ vaccine, chân đoán, điều trị COVID-19....

Trụ cột thứ hai cần đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho nhóm bệnh như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ung thư, HIV, viêm gan, lao, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng... Chăm lo sức khỏe các nhóm yếu thế như bà mẹ mang thai, trẻ em, người cao tuổi.

Theo WHO, nguồn tài chính cho y tế cần được phân bổ hợp lý, xóa bỏ rào cản về tài chính, người dân không phải chịu chi phí quá lớn. Nguồn ngân sách công chi cho y tế gồm nguồn thu chung của nhà nước như các quỹ do chính phủ quản lý (quỹ vaccine; quỹ phòng chống thuốc lá; quỹ bảo hiểm y tế xã hội), nguồn hỗ trợ chính thức từ nước ngoài do chính phủ quản lý. Ngoài ra, chi phí y tế được đóng góp từ cá nhân sử dụng dịch vụ và các nguồn tư nhân khác.

"Y tế cơ sở là đơn vị y tế gần dân. Đây là nơi tiếp xúc đầu tiên với dân, giám sát, phát hiện sớm, thông tin, kích hoạt hệ thống kiểm soát dịch bệnh, cung ứng tới 85-90% dịch vụ y tế thiết yếu. Y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế quốc gia và là trọng tâm của chi tiêu công", theo WHO. Để có thêm nguồn thu cho y tế công, WHO cho rằng, ở cấp kinh tế vĩ mô cần nguồn thu thuế rượu, bia, thuốc lá. Ở cấp chính sách, điều hành nên ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu suất, giảm chi phí, dùng thuốc gốc thay vì thuốc đắt tiền...

Thu Trang

comment Bình luận

largeer