4 lưu ý khi ăn hạt dẻ ai cũng cần biết để tránh rước bệnh vào thân

Hạt dẻ nướng là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng có vài điều cần lưu ý khi ăn món này để tránh gặp vấn đề về sức khỏe.
02/12/2020 09:51

Vào mùa đông, khi những cơn gió mùa lạnh lẽo thổi qua, được ngồi ở vỉa hè, vừa trò chuyện vừa nhâm nhi hạt dẻ nướng thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn.

Không chỉ thơm ngon, hạt dẻ còn là vị thuốc quý dùng để chữa nhiều loại bệnh. Theo đông y, hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Có công năng dưỡng vị kiện tỳ, bổ thận; hoạt huyết, chỉ thống. Dùng cho các trường hợp thận hư (bổ thận cường thận), hen suyễn, tiêu chảy do tỳ vị hư, loét miệng, cơ thể suy nhược sau bệnh nặng dài ngày, chấn thương đụng giập, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, nôn, trào ngược dạ dày - thực quản.

Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ loại thực phẩm nào, không phải cứ dùng nhiều là tốt. Sử dụng không đúng cách có thể biến loại thực phẩm ngon lành này trở thành thứ gây hại cho cơ thể. Báo chí Trung Quốc từng đưa tin về trường hợp nữ bệnh nhân 25 tuổi bị xuất huyết dạ dày chỉ vì ăn quá nhiều hạt dẻ cùng một lúc. Mỗi ngày cô đều mua 1-2kg hạt dẻ để vừa ăn vừa xem phim. Tuy nhiên, vào một buổi tối sau khi ăn hạt dẻ, cô bị ợ chua, vùng bụng trên đau dữ dội, sau đó bị nôn, tiêu chảy, đặc biệt khi nôn có lẫn máu tươi. Khi nhập viện điều trị, các bác sĩ cho biết cô bị xuất huyết dạ dày, thủ phạm thực sự chính là hạt dẻ. Do đó khi ăn hạt dẻ chúng ta cần lưu ý 4 điều sau:

Ăn lượng vừa phải

Hạt dẻ có chứa hàm lượng Carbonhydrate và cung cấp năng lượng cho cơ thể ở mức cao. Một số nơi còn coi hạt dẻ là nguồn lương thực chính bởi lượng tinh bột phong phú và ít chất béo. Do đó, nếu ăn hạt dẻ thường xuyên trong thời gian dài rất dễ rơi vào tình trạng tăng cân liên tục.

Bên cạnh đó, ăn nhiều hạt dẻ có thể dẫn đến trướng bụng, đầy hơi, thậm chí nôn mửa và chảy máu dạ dày. Mỗi ngày một người bình thường chỉ nên tiêu thụ tối đa 10 hạt dẻ.

Không nên dùng đường khi chế biến

Một số người có thói quen ngâm hạt dẻ với nước đường sau đó mới mang đi nướng hoặc rang để hạt dẻ được bùi ngọt mà không biết sẽ gây hại cho sức khỏe. Quá trình nướng (rang) sử dụng nhiệt độ cao có thể làm đường bị cháy khét, sinh ra các chất không tốt cho sức khỏe. Cách tốt nhất là luộc hoặc hầm hạt dẻ.

4-luu-y-khi-an-hat-de

Thời gian ăn hạt dẻ

Hạt dẻ nhiều tinh bột, ít chất xơ nên chỉ ăn trong bữa phụ lúc 9h sáng hoặc 15h chiều. Ăn ngay sau bữa chính sẽ cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa.

Nhóm người nên hạn chế ăn hạt dẻ

Người cao tuổi có chức năng tiêu hóa kém và trẻ nhỏ không nên ăn nhiều hạt dẻ cùng một lúc vì nó có thể gây ra tình trạng đau bụng, khó tiêu, hóc nghẹn, tổn thương tì vị,… Người bị tiểu đường cần tránh ăn hạt dẻ bởi làm tăng lượng đường trong máu.

Người bị bệnh dạ dày kinh niên cũng cần hạn chế ăn loại thực phẩm này. Bởi ăn quá mức sẽ làm sản sinh nhiều axit, tạo nên gánh nặng cho dạ dày, từ đó có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày. Ngoài ra, người bị cảm chưa khỏi, người mắc chứng sốt rét, kiết lị, phụ nữ sau sinh cũng không nên ăn nhiều hạt dẻ.

Lưu ý nên chọn hạt dẻ có kích thước vừa phải, không nên lựa chọn hạt dẻ đầu to. Trong hạt đầu to, hàm lượng nước cũng rất cao, hương vị không thơm ngọt. Đồng thời cần chú ý không ăn các loại hạt đã có dấu hiệu mốc hỏng. Hạt dẻ bị mốc có thể gây nhiễm độc tố Afflatoxin, gây ung thư gan. Khi bóc nếu thấy màu sắc bên trong hạt dẻ thay đổi thì cần bỏ ngay.

Theo Người đưa tin

comment Bình luận

largeer