'Ăn chặn tiền từ thiện có thể lĩnh án chung thân'

Theo luật sư, ai ăn chặn tiền từ thiện sẽ bị xử lý tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản" với mức án có thể đến tù chung thân.
By Nguyễn Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
07/09/2021 12:16

>>> Top Men - sản phẩm hỗ trợ sinh lý nam giới từ nguyên liệu tự nhiên

>>> Ca sỹ Duy Mạnh và ‘người bạn đồng hành thầm kín’ Top Men

Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành bị VTV điểm tên trong vấn đề sao kê từ thiện.

Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành bị VTV điểm tên trong vấn đề sao kê từ thiện.

Dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm đến những lùm xùm quanh câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, chậm sao kê, chậm dải ngân dẫn đến những nghi ngờ, bàn tán.

Hàng loạt tên tuổi trong làng showbiz Việt như: Danh hài Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành và mới nhất là vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh cũng lần lượt vướng vào ồn ào trên mạng.

Mới đây, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã chính thức nêu quan điểm với báo chí quanh vụ việc này.

Tướng Xô khẳng định, khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Ăn chặn tiền từ thiện là hành vi không chấp nhận được, sẽ lĩnh án chung thân

Dưới góc độ pháp lý, các luật sư cho biết, việc ăn chặn tiền từ thiện sẽ phải đối mặt với tội danh và khung hình phạt rất nghiêm khắc.

Cụ thể, trường hợp cá nhân hoặc người nổi tiếng kêu gọi đóng góp từ thiện nếu có các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt một phần số tiền kêu gọi được thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi và sự thỏa thuận với người mà mình đại diện làm từ thiện có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 174 quy định, người nào có hành vi gian dối trong việc kêu gọi từ thiện và chiếm đoạt tiền, tài sản trong số tài sản, tiền huy động được, tùy theo tính chất, mức độ cũng như hậu quả sẽ phải chịu hình phạt tương xứng và hình phạt cao nhất tại Điều luật này là tù chung thân.

Tương tự, Điều 175 cũng quy định có khung phạt cao nhất đến 20 năm tù cho các hành vi nhận được tài sản của người khác và sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại. Tùy theo tính chất, mức độ phạm tội, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng bản án.

Đối tượng Phan Đình Phúc (SN 1975, Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong 1 vụ việc Lừa kêu gọi ủng hộ người khuyết tật, chiếm đoạt tiền 150 tổ chức, cá nhân ở Nghệ An. (Ảnh: Báo Công an nhân dân).

Đối tượng Phan Đình Phúc (SN 1975, Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong 1 vụ việc Lừa kêu gọi ủng hộ người khuyết tật, chiếm đoạt tiền 150 tổ chức, cá nhân ở Nghệ An. (Ảnh: Báo Công an nhân dân).

Bên cạnh đó, hành vi ăn chặn tiền từ thiện của những người khốn khó rất đáng lên án, điển hình như hàng loạt vụ việc đã bị cơ quan công an triệt phá thời gian qua.

Theo các chuyên gia xã hội, việc lợi dụng tình thương, lợi dụng lòng tốt của cộng đồng để kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt, ăn chặn không chỉ gây tổn thương đến những hoàn cảnh khó khăn được người đó kêu gọi mà còn gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cộng đồng vào ý nghĩa các chương trình từ thiện chính đáng.

"Ngay cả những người nghèo khổ khốn khó mà họ còn mang ra để tư lợi bản thân thì không thể chấp nhận được", một chuyên gia xã hội học chia sẻ.

Cần làm rõ lùm xùm từ thiện của giới nghệ sĩ

Theo các chuyên gia, suốt những năm qua, mỗi đợt mưa lũ miền Trung hay hạn hán miền Tây hay đứng trước những hoàn cảnh nghèo khó... các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng và các tổ chức thiện nguyện đã đứng ra kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện, ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn đó là điều điều tốt đẹp không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, song song với đó là việc minh bạch các khoản, thu - chi từ thiện của các nghệ sĩ này ra sao thì vẫn còn là dấu hỏi lớn. 

"Ngoài một số ca sĩ, diễn viên chủ động sao kê, minh bạch, công khai như Quyền Linh, vợ chồng ca sĩ Lý Hải thì chúng ta thấy rất ít những ca sĩ, nghệ sĩ, MC chủ động sao kê, công khai việc từ thiện mà đa phần chỉ thấy những hình ảnh, clip họ đi làm từ thiện qua mạng.

Tất nhiên, việc công khai là điều cần làm để vừa minh bạch, vừa mang lại danh tiếng cho chính nghệ sĩ đó. Thế nhưng có người lại nói rằng "đó không phải trách nhiệm của chúng em, nếu bắt sao kê thì chúng em không làm...". Hay trường hợp Hoài Linh chậm dải ngân số tiền kêu gọi 14 tỷ đồng vừa qua là một bài học làm mất niềm tin của công chúng" - một chuyên gia xã hội nhìn nhận.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Hoạt động kêu gọi từ thiện hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Điều 5 của Nghị định này quy định Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Tuy nhiên, những năm qua rất nhiều cá nhân, đặc biệt là nghệ sĩ nổi tiếng vẫn thực hiện các hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền và quà tài trợ cho đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật mà không cơ quan chức năng nào quản lý.

Gần đây thì liên tục xảy ra nhiều nghi ngờ của dư luận liên quan đến vấn đề 'minh bạch' trong hoạt động từ thiện đối với một số cá nhân, nghệ sĩ như: Hoài Linh, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành...

Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến công tác kêu gọi từ thiện, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế của con người, có thể phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật.

Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh cũng phải bật khóc trong livestream ồn ào từ thiện.

Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh cũng phải bật khóc trong livestream ồn ào từ thiện.

Theo luật sư, với những lùm xùm đã và đang xảy ra về việc nghệ sĩ kêu gọi từ thiện cơ quan chức năng có đủ cơ sở, căn cứ để vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm vi phạm.

"Số lượng các anti-fan, các hội nhóm mọc lên rất nhiều trên mạng xã hội để tẩy chay một số nghệ sĩ, ca sĩ, mc, cá nhân. Dư luận xã hội cũng phân chia thành những băng nhóm, bè phái công kích, chửi bới, xúc phạm lẫn nhau...

Mạng xã hội trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết với những hoạt động chửi bới, bởi móc, tìm kiếm thông tin cá nhân, xúc phạm lẫn nhau một cách vô tội vạ.

Nếu sự việc này không được làm rõ sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm niềm tin và đạo đức của con người, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và có thể làm suy giảm hiệu quả của hoạt động từ thiện chính đáng trong thời gian tới đây", luật sư Cường kết luận.

Hình ảnh mưa lũ ngập mái nhà, người dân phải leo lên mái để tránh lũ. (Ảnh: IT).

Hình ảnh mưa lũ ngập mái nhà, người dân phải leo lên mái để tránh lũ. (Ảnh: IT).

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Tội "Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản" - Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

comment Bình luận

largeer