Bắc Giang: Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, sở, ngành trong tỉnh; nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm sinh học công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam); Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam; Viện Nghiên cứu đào tạo tư vấn khoa học và công nghệ ITC; Trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương và nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Nam núi Dành.
Đông đảo đại biểu, đối tác và nhân dân tham dự Hội nghị
Sâm Nam núi Dành từ lâu được coi như một loại thần dược, đã có cách đây khoảng hơn nghìn năm. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, có ghi “Sâm Nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở đỉnh Chung Sơn”. Núi Chung Sơn được nhắc tới đó là núi Dành ngày nay, thuộc địa phận xã Liên Chung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên.
Cây sâm Nam núi Dành được tìm thấy tại khu vực ven sườn núi Dành, có nhiều công dụng dược liệu, bồi bổ cơ thể nên được một số hộ dân mang về trồng và tự nhân giống tại địa bàn xã Liên Chung và Việt Lập chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng tại gia đình. Nhận thấy mức độ quý hiếm của loại sâm này, năm 2012, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường huyện thực hiện đề tài khoa học “Bảo tồn và nhân giống sâm Nam núi Dành tại một số hộ dân”. Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh”.
Các gian hàng trưng bày sâm Nam núi Dành và các sản phẩm được chế biến từ cây sâm núi Dành
Kể từ đó đến nay, sâm Nam núi Dành được trồng thành vùng tập trung có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Hiện nay, huyện đang thực hiện đề án “Phát triển sâm Nam núi Dành giai đoạn 2022-2027”. Theo đó, địa phương tập trung chỉ đạo, định hướng người dân sản xuất theo chuỗi; xây dựng, mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tuân thủ nghiêm các quy định đối với mã số vùng trồng trong khâu sản xuất.
Huyện quản lý chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm… đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nhiều cơ quan, đơn vị, DN, HTX đã tìm hiểu, sản xuất, nghiên cứu, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sâm Nam.
Hiện nay, giống sâm Nam núi Dành có loại gồm loại 3 lá chét và 5 lá chét nhưng đều có các hoạt chất và công dụng tương đương nhau. Chất lượng của sâm Nam núi Dành phụ thuộc vào độ tuổi của cây và một số hoạt chất chính trong cây.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền Nông nghiệp năm 2018 và Trung tâm Giống cây ăn quả Bắc Giang năm 2020 về phân tích một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm: Saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid. Hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các chất này càng cao, cho giá trị kinh tế cao hơn.
Trong củ có 32 hợp chất saponin triterpen, 30 chất là saponin dammaran tạo nên giá trị dược tính của nhân sâm...
Saponin trong sâm có tác dụng cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như: Axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa; làm long đờm, chữa ho; làm tăng tính thấm của tế bào trong cơ thể, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất; chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus; một số saponin có mặt trong sâm có tác dụng chống lại các tế bào ung thư…
Thời điểm này, huyện Tân Yên có khoảng 125 ha sâm được trồng tại các xã: Việt Lập, Liên Chung và thị trấn Cao Thượng. Dự kiến năm nay, huyện có hơn 18 ha cho thu hoạch củ, sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn; 115 ha cho thu hoạch hoa, sản lượng ước đạt hơn 60 tấn.
Các sản phẩm chế biến hiện nay gồm: Hoa, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược viên sáng mắt núi Dành, rượu sâm, trà hoa sâm...
Từ năm 2022 đến nay, huyện Tân Yên đã kết nối tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành tại nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ thuộc các tập đoàn, siêu thị lớn; bán trên sàn thương mại Shopee và nhiều công ty dược, công ty bánh kẹo…
Với mong muốn tiếp tục nhân rộng vùng trồng, đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Yên cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người dân trồng sâm, DN, thương nhân trong khâu thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, huyện mong muốn các cơ quan TW, đơn vị nghiên cứu, UBND tỉnh, các sở, ngành quan tâm định hướng, kết nối với các DN có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Ông Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thọ Xuân Đường ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền với HTX SX và tiêu thụ sâm Nam núi Dành
Hội nghị cũng đã ghi nhận ý kiến chia sẻ từ đại diện các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực dược liệu về các vấn đề nhằm nâng cao chất lượng sâm Nam núi Dành, những tác dụng tuyệt vời trong hỗ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đại diện tổ chức trồng sâm mong muốn chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ trong công tác truyền thông, quảng bá về sâm Nam núi Dành để sản phẩm sâm Nam núi Dành được nhiều người biết đến, tạo thuận lợi trong người nông dân trong tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ; xây dựng Ban chỉ đạo về sâm Nam núi Dành để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc trồng sâm; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận đất đai cho trồng và chế biến sâm; cần tuân thủ quy trình trồng sâm đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sâm Nam núi Dành....
Huyện Tân Yên cũng đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng sâm, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sâm; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...
Tại hội nghị, Lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa một số hợp tác xã trồng sâm trên địa bàn huyện với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm và đi thăm quan một số vườn trồng sâm trên địa bàn huyện Tân Yên.
Tình Vũ
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Doanh nhân Nguyễn Phương Hoa: Người kiến tạo thành công từ kiến thức và đam mê
“Thành công có công thức, thất bại có lý do” - câu nói này đã trở thành kim chỉ nam cho hành trình khởi nghiệp đầy gian nan nhưng cũng vô cùng ý nghĩa của CEO Nguyễn Phương Hoa, người sáng lập và điều hành Tập đoàn Relab Group.November 14 at 9:11 am -
Lợi ích vượt trội của sữa hạt đối với sức khỏe
Trong thời gian gần đây, sữa hạt được coi là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng đối với rất nhiều đối tượng. Vậy sữa hạt là gì? Giá trị dinh dưỡng của sữa hạt như thế nào? Các bạn hãy tham khảo bài viết sau đây để giải đáp các thắc mắc trên!November 13 at 10:23 am -
Vai trò của 2’FL HMO đối với trẻ nhỏ
Trong thời gian gần đây, trong một số loại sữa công thức có bổ sung thành phần dưỡng chất quan trọng là 2’FL HMO. Vậy dưỡng chất này là gì? Có lợi cho trẻ em như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các mẹ thông tin hữu ích về loại dưỡng chất đặc biệt này.November 13 at 10:23 am -
Sản xuất gia công sữa hạt theo yêu cầu – đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho thị trường hiện đại
Sữa hạt dần trở thành lựa chọn dinh dưỡng phổ biến, đặc biệt với những người tìm kiếm thay thế sữa động vật hoặc duy trì chế độ ăn lành mạnh. Nhu cầu sữa hạt tăng cao khi người tiêu dùng chú trọng hơn vào dinh dưỡng tự nhiên và sức khỏe bền vững. Dịch vụ gia công sữa hạt theo yêu cầu là giải pháp lý tưởng giúp các thương hiệu cung cấp sản phẩm sữa hạt chất lượng.November 13 at 10:23 am