Bị liệt nửa người khi đang đá banh

Ngày 24/5, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhân P.M.T (34 tuổi, ngụ tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị liệt nửa người khi đang chơi đá banh.
24/05/2018 14:46

Bị liệt nửa người khi đang đá banh

Anh P.M.T. kể đang đá banh với bạn thì thấy lảo đảo người, muốn té ngã. Anh nằm nghỉ tại chỗ nhưng triệu chứng lại có chiều hướng nặng hơn. Anh có cảm giác hơi tê, bị méo miệng, đau đầu nhẹ. Anh đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Tại Khoa Cấp cứu, anh T. bị  yếu nửa người, vẫn nhấc nhẹ được tay chân, nhưng chỉ khoảng 5 phút sau đã liệt nửa người bên trái. Anh T. đã hút thuốc lá trên 20 năm (nửa gói/ngày) và cha của anh từng bị đột quỵ. 

Cấp cứu thanh niên liệt nửa người khi đang đá banh - Ảnh 1.

 

Bị liệt nửa người khi đang đá banh. Bệnh nhân đã phục hồi và cử động được tay chân bình thường

Các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu não cấp, nhập viện vào giờ thứ 2 tính từ khi có dấu hiệu bệnh. Kết quả chụp CT mạch máu có thuốc cản quang cho thấy có hiện tượng hẹp nặng gốc động mạch não giữa (khoảng 90%) bên phải.

Các bác sĩ đã truyền trực tiếp thuốc tiêu sợi huyết vào tĩnh mạch của người bệnh. Sau 15 phút truyền thuốc, bệnh nhân đã bắt đầu cử động được nửa người bên trái. 

Sau 45 phút, sức cơ của người bệnh gần như hồi phục hoàn toàn, có thể giơ tay chân trái và duy trì giữ lâu (trên 10 giây), người bệnh không còn bị tê và méo miệng. Sau 24 giờ, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn.

Theo ThS.BS Hoàng Thị Tố Uyên, Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người bệnh nhập viện trong thời gian vàng (trong khoảng 4,5 giờ từ khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ) và được truyền thuốc tiêu sợi huyết kịp thời, dẫn tới kết quả phục hồi hoàn toàn. 

Theo ThS.BS Tố Uyên, nhồi máu não có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: rối loạn nhịp tim, bệnh lý đông máu, hẹp mạch máu... Những nguyên nhân này có thể đến từ các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp,….

Bác sĩ Uyên khuyến cáo nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng như méo miệng, tê yếu chân tay, nửa người hoặc toàn thân, nên đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt  để các bác sĩ can thiệp và sử dụng thuốc hiệu quả. 

Không làm theo các hướng dẫn lan truyền trên mạng như chích máu đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng....

Để hạn chế nguy cơ đột quỵ, nên có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống rượu bia, tập thể dục thường xuyên. Đối với những người bệnh mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu... cần lưu ý các triệu chứng để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

comment Bình luận

largeer