Bóng bay Hydro có nguy cơ gây cháy nổ không?

Bóng bay Hydro đang được bày bán tràn lan trên thị trường bởi màu sắc đẹp mắt, độ bền lâu dài nên hay được mua về trang trí trong các bữa tiệc hoặc mua cho con trẻ chơi. Tuy nhiên, nhiều người chưa lường trước được độ nguy hiểm tiềm ẩn trong loại bóng này.
03/11/2020 10:59

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Hydro là một nguyên tố hóa học phổ biến thứ 3 trên bề mặt Trái đất. Đây cũng là một chất khí dễ cháy, nổ khi bắt lửa và khi có dòng điện đi qua.

PGS Côn cho biết, hiện nay các loại bóng bay thường dùng 2 loại khí để bơm là Hydro và Heli. Tuy nhiên, khí Heli là khí hiếm, điều chế rất khó và bán rất đắt, không phải ai cũng mua được. Do đó, hơn 90% các loại bóng bay bán trên thị trường đều bơm khí Hydro.

bong bay

Nguy cơ cháy nổ từ bóng bay bơm khí Hydro.

Bóng bay Hydrorất dễ phát nổ. Theo đó, khi khí Hydro gặp oxy đúng tỷ lệ thì sẽ phát nổ; những người đứng gần bật que diêm, dùng bật lửa để cắt dây bóng thì bóng bay sẽ nổ; những trái bóng trong chùm bóng khi cọ xát cũng có thể gây nổ hay khi ngoài trời thời tiết nắng nóng cũng có thể gây nổ.

GS Đỗ Hương Trà (Khoa Vật lý, ĐHSP Hà Nội) cũng đồng quan điểm và cho biết thêm : "Khi để một thời gian bóng sẽ xẹp dần do khí bên trong bóng thoát ra ngoài qua các lỗ, các khe hở của thành quả bóng mà mắt thường không nhìn thấy được. Bên cạnh đó, không khí bên ngoài cũng có thể thâm nhập qua các khe và lỗ này. Do vậy, nếu trong không khí bị hòa lẫn Hydro chỉ cần 4% trong điều kiện có lửa sẽ dẫn đến phát nổ”.

Đặc biệt theo GS Trà, trong điều kiện không có ánh sáng và nhiệt độ thấp, dung dịch không khí và khí Hydro vẫn có thể tự phát nổ mà không cần tia lửa. Trong một tỷ lệ nhất định giữa không khí và Hydro sẽ có thể dẫn đến phát nổ ở điều kiện ánh sáng thường. Đó cũng là lý do vì sao người ta khuyến cáo dùng Heli để bơm bóng bay chứ không dùng khí Hydro.

bong nang

Bỏng vì nổ bóng bay bơm khí Hydro. (Hình minh họa)

“Bên cạnh khả năng gây nổ, khí Hydro còn có phản ứng rất mạnh với Clo, Flo tạo thành các axit có thể gây tổn thương cho phổi và các bộ phận khác của cơ thể”, GS Trà cảnh báo.

Do khí Hidro rất nguy hiểm, có thể gây nổ bất cứ lúc nào nên các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên dùng khí Hidro để bơm bóng bay.

Theo bác sỹ Lương Quốc Chính (Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai): "Hydro rất có ái lực với oxy. Chúng kết hợp với nhau để tạo thành nước, đồng thời giải phóng ra một lượng lớn năng lượng với nhiệt độ có thể lên tới 3000 độ C. Do vậy, cần cảnh giác với bỏng do nổ bóng bay".

Bên cạnh đó, không chỉ gây bỏng, loại bóng bay này còn gây hại đến sự phát triển của trẻ. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: “Hầu hết các loại bóng bay trên Thị trường hiện nay đều rất độc khi cho trẻ nhỏ thổi, ngậm, mút hay cầm tay. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ”.

Trên thực tế đã có rất nhiều các trường hợp bị bỏng do bóng bay Hidro phát nổ. Vào năm 2016, khi mọi người đang xem múa lân ở đường 36M, ở TP Đồng Hới, Quảng Bình thì bất ngờ một chùm bóng bay có bơm khí Hydro phát nổ làm 9 người bị thương nặng.

Vào tháng 5/2019, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng đã tiếp nhận 4 người đàn ông nhập viện vì bỏng khí hydro do nổ bóng bay. May mắn, cả 4 người đều không nguy hiểm đến tính mạng, người bị bỏng nặng nhất có diện tích là 8%.

Đặc biệt, mới đây sáng 3/11, tại một quán bar ở Vĩnh Phúc đã bị cháy khiến 3 người tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do pháo điện bén vào bóng bay Hydro dẫn đến phát nổ và gây cháy.

Dương Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer