Cây lan trúc điều trị đau thấp khớp, phù thũng và vàng da do viêm gan

Họ nhà Lan có rất nhiều loài được dùng làm thuốc như lan bạch cập, lan thạch hộc, lan trúc, lan cuốn chiếu (bàn long sâm)… Trong đó, lan trúc là loài có hoa trắng hồng tim tím rất đẹp.
25/08/2023 17:47

Vài nét về cây lan trúc

Cây có tên khoa học là Arundina graminifolia (ở Trung Quốc gọi là trúc diệp lan).

Gọi là lan trúc vì thân lá của nó giống như cây trúc. Tuy nhiên, loài lan này chỉ cao khoảng 80cm trở lại và là loài sống địa sinh (sống bằng đất, không sống trên cây gỗ mục, than đá hay đá như nhiều loại lan khác).

Hoa lan trúc không nhiều nhưng mọc cao, có màu trắng pha hồng tím, cánh hoa có nhiều gân và cánh môi có đốm vàng. Ở nước ta, loài lan này được tìm thấy tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Huế, Quảng Ninh, Sơn La… và nhiều tỉnh miền núi khác (ngoài ra, ở Trung Quốc, Ấn Độ, Butan và nhiều nước Đông Nam Á cũng có loại lan này).

Cây lan trúc điều trị đau thấp khớp, phù thũng và vàng da do viêm gan. Ảnh: Caythuoc.org

Cây lan trúc điều trị đau thấp khớp, phù thũng và vàng da do viêm gan. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của cây lan trúc

Theo y học cổ truyền, lan trúc có vị đắng, tính bình và được biết đến với nhiều công dụng như:

- Thanh nhiệt, điều trị vàng da do viêm gan.

- Giúp giảm đau và tiêu viêm.

- Làm tan ứ đọng (dùng khi bị đòn ngã tổn thương, tụ máu bầm).

- Khư phong thấp (điều trị đau thấp khớp).

- Giúp lợi niệu, điều trị phù thũng và các bệnh về đường tiết niệu.

- Giúp giải độc, sơ cứu khi bị rắn cắn (uống và đắp).

Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống từ 10 – 15g toàn cây hoặc thân rễ.

Riêng với trường hợp sơ cứu khi bị rắn cắn, bên cạnh việc sắc lấy nước uống với liều lượng như vừa nêu trên thì ta cũng cần giã nát cây tươi rồi đắp lên vết rắn cắn, sau đó đưa nạn nhân đến trạm y tế để chẩn đoán thêm.

Với trường hợp viêm mủ da hoặc bị mụn nhọt ngoài da, bạn cũng có thể giã nát cây tươi rồi đắp lên.

Các nghiên cứu về cây lan trúc

Trên thế giới, cây lan trúc được nghiên cứu và biết đến với các hoạt tính như:

Hoạt tính chống ung thư: Theo Tạp chí The American Chemical Society and American Society of Pharmacognosy, kết quả nghiên cứu cho thấy trong cây lan trúc có nhiều hoạt chất có thể chống lại năm dòng tế bào ung thư ở người.

Hoạt tính kháng khuẩn và chống tan máu: Theo Tạp chí Natural Product Research, nhiều hoạt chất có trong cây lan trúc đều có tác dụng kháng khuẩn (chống lại các vi khuẩn phổ biến như Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis and Escherichia coli), ngoài ra còn giúp chống tan máu.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về dược tính của loại lan này vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nó có ý nghĩa bổ sung tư liệu cho việc sử dụng trong y học cổ truyền.

Thông tin thêm

Cây lan trúc có rất nhiều tên gọi. Ở Đài Loan, người ta gọi nó là vi thảo lan (nghĩa là lan sậy) vì kích thước của cây cao lớn hơn các loại lan thông thường, nhìn từ xa trông như một bụi lau sậy vậy.

Mặt khác, hoa của cây có các cánh xòe đặc biệt, màu sắc hấp dẫn, nhìn từ xa trông như những con chim đang bay lượn giữa thảo nguyên hoang dã, vì vậy, có nơi người ta còn gọi nó là “điểu tể lan”.

Ở Trung Quốc, thân rễ và toàn cây của loài lan trúc cũng được dùng làm thuốc với các công dụng tương tự như ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay, các loài lan nói chung đa phần chỉ được biết đến với vai trò làm cảnh (công dụng làm thuốc chỉ được biết đến trong giới nghiên cứu và thực hành y học).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer