Cây thuốc và bài thuốc nam: Thực trạng, định hướng phát triển và giải pháp

Tại Việt nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng 60.000 tấn/năm, trong khi đó Việt Nam chỉ mới cung cấp cho thị trường mới khoảng 15.600 tấn/năm, phần còn lại (khoảng 70% phải nhập khẩu qua các ngả đường khác nhau, nhiều khi không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, không thể kiểm soát về chất lượng).
20/05/2022 11:36

Thực trạng hiện nay nền Y học cổ truyền Việt Nam đang dựa vào các cây thuốc có nguồn gốc khác nhau (từ cây thuốc mọc tự nhiên, cây thuốc trồng trong vườn và từ nhập khẩu). Riêng nguồn cây thuốc mọc tự nhiên có nhiều loài hiện nay đã trở nên khó thu mua như Hoàng đằng, Thiên niên kiện, Sa nhân; thậm chí đã trở thành đối tượng cần bảo tồn như Ba kích, Đẳng sâm, Hoàng tinh, Hà thủ ô đỏ, Sâm Vũ diệp, Bảy lá một hoa, Sơn đậu căn... Đối với một số dược liệu hay dùng như Bạch chỉ, Bạch truật, Đương quy, Huyền sâm, Ngưu tất, Xuyên khung, Độc hoạt... đã từng trồng, sản xuất ở trong nước nay tái phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, việc kiểm soát về chất lượng và sự an toàn của các dược liệu này còn đang là vấn đề nan giải.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

TIỀM NĂNG VỀ CÂY THUỐC NAM

Ông cha ta đã có kinh nghiệm phong phú sử dụng thuốc Nam từ xa xưa để chữa bệnh như: Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh – Thế kỷ XIV) với bộ Nam dược thần hiệu gồm 11 quyển với 496 vị thuốc nam, trong đó có 214 vị thuốc có nguồn gốc thực vật; Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác (1720 – 1791) trong tập Lĩnh nam bản thảo ghi nhận 2854 vị thuốc chữa bệnh. Thời kỳ Pháp thuộc, Crevost, Pêtelot đã xuất bản bộ “Catalogue des produits de L’ Indochine” (1928- 1935) và bộ “Les plantes de medicinales du Cambodge, du Loas et du Vietnam”, gồm 4 tập đã thống kê được 1482 vị thuốc thảo mộc trên ba nước Đông Dương.

Theo một số tác giả nghiên cứu thời hiện đại như Võ Văn Chi trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” đã thống kê khoảng 3.200 loài cây thuốc; Đỗ Tất Lợi trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đã giới thiệu 800 cây con và vị thuốc.

Theo tài liệu của viện Dược liệu Việt Nam hiện nay có khoảng 5.150 cây có thể sử dụng làm thuốc. Nguồn cây thuốc ở Việt Nam không những đa dạng về loài, chủng, giống, dưới loài và còn rất đa dạng theo hệ sinh thái. Các loài cây thuốc phân bố ở khắp các vùng sinh thái trong cả nước. Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh vật. Theo thống kê sơ bộ, nước ta có tới gần 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc hơn 2.256 chi, 305 họ (chiếm 4% tổng số loài, 15% tổng số chi, 75% tổng số họ thực vật trên toàn Thế giới). Không chỉ có vai trò là lá phổi xanh điều hòa khí hậu, hệ thực vật rừng còn mang đến một tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc nói riêng cùng với tài nguyên dược liệu nói chung.

Thực trạng những năm gần đây, việc sử dụng các thuốc có nguồn gốc từ tổng hợp hóa dược gặp nhiều bất cập và tác dụng phụ khôn lường, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, xu hướng sử dụng các thuốc có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên ngày càng nhiều, không chỉ ở các nước Á Đông mà còn ở các nước phương Tây.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số nông thôn ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc được kê trong các đơn thuốc đều có chứa hoạt chất thảo mộc. Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc Y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Với một thị trường tiêu thụ nhiều như vậy, dược liệu nói chung và cây thuốc nói riêng đã mang lại giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào.

Trong số những lượng đã tiêu thụ, có trên 2/3 khối lượng dược liệu được khai thác từ nguồn gốc cây thuốc mọc tự nhiên và trồng trọt trong nước. Riêng từ nguồn cây thuốc tự nhiên đã cung cấp tới 20-25 nghìn tấn mỗi năm. Khối lượng này trên thực tế mới chỉ bao gồm khoảng 300 loài được khai thác và đưa vào thương mại có tính phổ biến. Bên cạnh đó, có thể vẫn còn nhiều loài dược liệu khác được thu hái sử dụng tại chỗ nhưng chưa có con số thống kê cụ thể.

Ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế rất được các nhà khoa học quan tâm. Nhiều dược liệu đã được sử dụng để tách chiết các hoạt chất làm thuốc như: chiết Berberin từ cây Vàng đằng (Coscinium fenestratum), Rutin từ Hoa hòe (Shophora japonica), Morphin từ cây Thuốc phiện (Papaver somniferum), Bêta-caroten và Lycopen từ Gấc (Mormodica cochichinensis), Strychnin từ cây Mã tiền (Strychnos nux-vomica), Papain từ Đu đủ (Carica papaya), Diosdenin từ Củ mài (Dioscorea deltoidea), Curcumin từ củ Nghệ vàng (Curcuma longa), Menthol từ cây Bạc hà (Metha arvesis)… Trong đó, có nhiều loại hoạt chất quan trọng như Quinin, Morphin, Strychnin… đều phải chiết ra từ dược liệu mà chưa thể đi bằng con đường tổng hợp hóa học.

Từ thực tế trên cho thấy, số loài cây thuốc được sử dụng để phục vụ cộng đồng cũng như để phân lập các chất còn rất hạn chế so với tổng số cây thuốc đã được phát hiện. Với nguồn tài nguyên dược liệu phong phú cùng với vốn kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng các dân tộc người Việt chính là tiềm năng to lớn để nghiên cứu, chiết xuất các hoạt chất và tạo ra những loại thuốc mới từ dược liệu có hoạt lực chữa bệnh cao. Tuy nhiên, phần lớn cây thuốc mọc hoang ở các vùng rừng núi, hiện nay nguồn tài nguyên này đang bị sói mòn do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Sự tăng dân số quá mức đang lấn át đất rừng, khai thác tài nguyên dược liệu quá mức mà không nghĩ đến bảo tồn nguồn giống, sự ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu, khai thác đất rừng phục vụ nông nghiệp và chăn thả gia súc... dẫn đến sự đe dọa tuyệt chủng của nhiều loài cây thuốc.

TIỀM NĂNG VỀ CÁC BÀI THUỐC NAM ỨNG DỤNG CHỮA BỆNH

Nguồn tri thức bản địa và cây thuốc là hai mặt của vấn đề tài nguyên cây thuốc. Việt Nam có cả hai yếu tố này (bao gồm cả y học chính thống và y học bản địa). Việt Nam đã ghi nhận nhiều danh y như Nguyễn Bá Tĩnh, Hoàng Đôn Hòa, Hải Thượng Lãn Ông. Với các tác phẩm nổi tiếng như “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh, “Hoạt nhân toát yếu” của Hoàng Đôn Hòa, “Hải thượng y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông. Các kinh nghiêm chữa bệnh trong dân gian, được truyền miệng trong các vùng miền (đặc biệt là miền núi) cũng góp phần làm phong phú cho việc sử dụng cây thuốc, bài thuốc Nam trong chữa bệnh.

Hiện nay, đã tập hợp được 39.381 bài thuốc dân gian gia truyền của 12.531 vị Lương y. Gần đây, nhiều dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng còn được phát triển

dựa trên tri thức sử dụng của cộng đồng như tri thức sử dụng cây Chè dây để chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng, hay tri thức sử dụng cây Tật lê chữa bệnh của người Chăm…

Các hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt gần đây các bài thuốc Nam đã được sản xuất thành các dạng thuốc (thuốc viên, siro, thuốc xịt họng...) phục vụ chống đại dịch Covit có hiệu quả (như bài Ngân kiều tán, Đạt nguyên ẩm, Tam tiêu ẩm...).

Đảng, Chính phủ ta đã rất quan tâm tới việc bảo tồn và ứng dụng các vốn quý của Y học cổ truyền (YHCT) trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều nghị quyết của Đảng, Quyết định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế đã thể hiện rõ vấn đề này qua các thời kỳ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều bất cập trong việc ứng dụng các bài thuốc Nam vào công tác khám chữa bệnh: Tâm lý chuộng thuốc Bắc của người bệnh, kiến thức và nhận thức về thuốc Nam của y bác sỹ còn hạn chế; việc bảo quản khó do khí hậu nóng  ẩm dễ sinh nấm mốc làm giảm chất lượng thuốc; các thuốc thành phẩm Y học cổ truyền không đa dạng, hoặc dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe không được quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán; công tác đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về sử dụng thuốc và các bài thuốc Nam còn hạn chế; cơ chế chính sách còn bó buộc khiến các sản phẩm nghiên cứu của các cơ sở khám chữa bệnh chỉ ứng dụng trong phạm vi cơ sở của mình; công tác nghiên cứu khoa học ít đề tài có tính mới gây lãng phí thời gian và kinh phí đầu tư... Việc nuôi trồng mang tính tự phát khiến dược liệu không đảm bảo tiêu chuẩn, dư thừa sản phẩm làm cho giá thành hạ gây thua lỗ cho người trồng; việc bào chế, sơ chế sản phẩm còn thô sơ gây giảm giá trị và uy tín của thuốc YHCT.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÁP

Để phát huy thế mạnh của thuốc Nam và các bài thuốc Nam trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, xin đề xuất một số định hướng phát triển và giải pháp sau:

- Đẩy mạnh ngành công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn và miền núi, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí tạo nên hình ảnh Việt Nam - một cường quốc về dược liệu, khỏe mạnh, giàu có.

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần chú ý tới thời lượng đào tạo về sử dụng, nhận biết cây thuốc Nam và bài thuốc Nam trong khám chữa bệnh. Các thầy thuốc YHCT có ý thức sử dụng thuốc Nam và các chế phẩm từ thuốc Nam vào điều trị trước khi sử dụng các vị thuốc nhập ngoại (thuốc Bắc).

- Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) cần ưu tiên các đề tài có tính mới sử dụng thuốc Nam trong điều trị. Cần thiết phải tổ chức đấu thầu, đặt hàng nghiên cứu để nâng cao giá trị của cây thuốc, bài thuôc Nam (nghiên cứu về Cà gai leo trong điều trị các bệnh về gan, kháng vius viêm gan B đã nâng giá trị của cây thuốc này lên tầm mới). Cần có các nghiên cứu sâu về nhận diện cây thuốc nam để định hướng cho việc điều trị, nuôi trồng loài cây có dược tính mạnh trong chữa bệnh, có nguồn gốc để đảm bảo tính an toàn trong sử dụng.

- Công tác Bảo tồn nguồn gen cây thuốc cần được chú ý cả trong các vườn bảo tồn của Nhà nước (tồn trữ các nguồn gen để phục vụ nhu cầu ngiên cứu, sản xuất) và ngoài tự nhiên, người khai thác có ý thức khai thác khoa học, tránh tận thu làm mất nguồn tái sinh, mất giống cây thuốc.

- Công tác nuôi trồng cần hỗ trợ người trồng để có các vùng nguyên liệu chiến lược cho nhu cầu khám chữa bệnh và sản xuất công nghiệp (như vùng sản xuất Cúc hoa ở Văn Giang - Hưng Yên đang bị thu hẹp), cung cấp và hướng dẫn cho người dân giống chuẩn từ các doanh nghiệp có uy tín, có cam kết về chất lương giống hoặc các doanh nghiệp đặt hàng sản xuất để có đầu ra ổn định. Đưa tiêu chuẩn GACP “Good Agricultural and Collection Practices” hay còn gọi là “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái” trong phát triển dược liệu vào sản xuất.

- Công tác truyền thông cho người dân đặc biệt là việc không khai thác cạn kiệt, bán dược liệu xuất qua biên giới. Nhà nước cần ban hành danh mục các dược liệu cấm xuất để các lực lượng chức năng có cơ sở quản lý. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm du lịch tuyên truyền các hình ảnh (tiêu bản, cây thuốc mẫu) để người dân biết về gia trị cây thuốc, góp phần cho công tác bảo tồn, sử dụng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu... Hạn chế quảng cáo quá mức trên các kênh truyền hình gây mất niềm tin và làm tốn tiền bạc cho người dân.

- Cơ chế chính sách về lưu hành thuốc thành phẩm YHCT, thuốc từ dược liệu; công tác NCKH, đào tạo... cần ưu tiên cho phát triển YHCT đặc biệt cần mềm dẻo phục vụ các nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh, không làm mất thời cơ vì quy trình nghiêm ngặt (thuốc nam vốn có tính an toàn).

TTƯT. Phạm Tự Do - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công An

comment Bình luận

largeer