Chính phủ quy định 12 mặt hàng vật tư, thiết bị y tế bổ sung vào danh mục dự trữ quốc gia

Ngày 31/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
02/06/2021 05:46

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 56/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 9/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia. Theo đó, có 12 mặt hàng vật tư, thiết bị y tế được bổ sung vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Theo Nghị định, nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế bao gồm 12 mặt hàng cụ thể, gồm:  Máy X- quang; máy thở; máy phá rung tim; máy theo dõi bệnh nhân; máy siêu âm; máy hút dịch; máy phun hóa chất; máy phát hiện nhanh các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ; mơm tiêm điện; bộ dụng cụ phẫu thuật; vật tư phòng hộ cá nhân và túi đựng tử thi.

12-nhom-thiet-bi-y-te

Ảnh minh họa

Chính phủ giao Bộ Y tế thực hiện quản lý hàng dự trữ quốc gia nêu trên theo quy định tại Luật Dự trữ quốc gia.

Trước đó, ngày 9/10/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 quyết nghị bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Tại Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các mặt hàng thuộc nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế, đảm bảo theo đúng tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Dự trữ quốc gia; phân công bộ, ngành thực hiện việc quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Trước tình hình dịch COVID-19, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, cũng như yêu cầu khẩn cấp về y tế khi xảy ra các tình huống đột xuất trong tương lai, việc bổ sung thêm nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia là rất cần thiết.

Việc bổ sung mặt hàng này đáp ứng được quy định của Luật Dự trữ quốc gia về mục tiêu dự trữ quốc gia, tiêu chí của mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia và thống nhất với quy định tại Điều 61 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Như vậy, khung khổ pháp luật về danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia lĩnh vực y tế đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ. Theo quy định danh mục chi tiết nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia tại Nghị định số 56/2021/NĐ-CP và quy định danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP, Bộ Y tế được phân công quản lý 3 nhóm hàng:  Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; hóa chất khử khuẩn, khử trùng xử ký nguồn nước; vật tư, thiết bị y tế.

  Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia hằng năm và tổ chức mua sắm đưa vào dự trữ nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc, cứu chữa người bệnh trong các tình huống đột xuất, cấp bách về y tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra trong tương lai./. 

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14.

 

Trần Dần

comment Bình luận

largeer