Chủ tịch nước hiện nay là ai? Nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật, Hiến pháp ra sao?

Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước còn được gọi là nguyên thủ quốc gia. Bài viết dưới đây làm rõ Chủ tịch nước hiện nay là ai, có vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật, Hiến pháp ra sao?
By Minh Tùng/Sức Khỏe Cộng Đồng
05/04/2021 11:02
Sáng 5/4, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sáng 5/4, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch nước hiện nay là ai?

Với 468 phiếu thuận (chiếm tỉ lệ 97,5% tổng số đại biểu Quốc hội, 100% số đại biểu tham gia bỏ phiếu), ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước thứ 11 kể từ năm 1945, và là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử được bầu giữ chức người đứng đầu Nhà nước.

Sáng 5/4/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 67 tuổi, cử nhân Kinh tế, quê ở Quảng Nam. Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, XI, XII, XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội 3 khoá XI, XIII và XIV.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông trở về làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, từng bước trưởng thành với nhiều vị trí công tác ở quê nhà. Từ chuyên viên, phó văn phòng, chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, ông làm Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.

Tại Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hai "trường hợp đặc biệt" tái cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị.

Nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật, Hiến pháp ra sao?

Hiến pháp năm 2013 quy định, Chủ tịch nước Việt Nam là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định tại Điều 84, Điều 88, Điều 90, Điều 91. Theo tiêu chí về nội dung nhiệm vụ, quyền hạn, có thể phân chia các nhiệm vụ, quyền hạn cùa Chủ tịch nước thành hai nhóm lĩnh vực sau:

Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến chức năng đại diện, thay mặt nước về đối nội và đối ngoại của Chủ tịch nước

Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, cụ thể:

- Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam.

- Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bổ tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình hạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

- Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh nhà nước.

- Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài, quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ là những hoạt động đối nội và đối ngoại của Chủ tịch nước.

- Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

-Chủ tịch nước quyết định đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh nhà nước.

Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc phối hợp với các thiết chế quyền lực nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp của Chủ tịch nước

Lĩnh vực lập pháp

Chủ tịch nước có thẩm quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua...

Trong lĩnh vực hành pháp

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc thành lập Chính phủ, với cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Thẩm quyền này của Chủ tịch nước đã thể hiện vị trí, vai trò quan trọng của nguyên thủ quốc gia trong việc hình thành Chính phủ. Hiến pháp năm 2013 cũng đã bổ sung quy định Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Quy định này đã xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với Chính phủ nhưng cũng chỉ trong trường hợp “Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước” mà không phải trong mọi trường họp.

Trong lĩnh vực tư pháp

Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối, thẩm phán các tòa án khác; bổ nhiệm Phó Viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối là quy định mới được bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, quy định này nhằm đề cao vai trò của Tòa án nhân dân tối, cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Về quyết định đặc xá, thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước đã được quy định trong các bản hiến pháp trước đây, riêng Hiến pháp năm 1959 quy định thẩm quyền đặc xá được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định đặc xá. Theo quy định của Luật đặc xá năm 2018 thì: “Đặc xả là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thăn nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”. 

Với quy định này, đặc xá không bao gồm những trường hợp Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho người bị tòa án kết án tử hình xuống tù chung thân. Trước đó, cũng có ý kiến cho rằng đặc xá bao gồm cả việc Chủ tịch nước ân giảm án tử hình, vì vậy cần sửa đổi Luật đặc xá để bổ sung quy định này.

Về đại xá, Hiến pháp năm 2013 giữ nguyên quy định của Hiến pháp năm 1992 về đại xá. Thẩm quyền quyết định đại xá thuộc Quốc hội, Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội công bố quyết định đại xá.

Từ khóa Từ khóa:
Chủ tịch nước
comment Bình luận

largeer