Chuyên gia y tế nói về vụ thổi giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai: 'Còn lắm biến tướng'

Theo chuyên gia y tế, vụ việc thổi giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ là phần nổi của tảng băng lâu nay vẫn tồn tại, chủ trương xã hội hóa y tế sẽ kéo theo nhiều bất lợi mà bệnh nhân phải chịu.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
11/09/2020 13:39
Robot Rosa một trong số thiết bị bị thổi giá ở Bệnh viện Bạch Mai khiến người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca.

Robot Rosa một trong số thiết bị bị thổi giá ở Bệnh viện Bạch Mai khiến người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca.

Vụ thổi giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai vừa bị Bộ Công an phanh phui, đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Nhiều người bàng hoàng bởi sự tán tận lương tâm của những con người gắn mác tri thức khi câu kết "ăn chia" mồ hôi nước mắt của người bệnh và hơn nữa sự việc xảy ra giữa một bệnh viện công lớn nhất cả nước như Bệnh viện Bạch Mai. 

Chuyên gia y tế chỉ ra tảng băng chìm

Sự việc thổi giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai khiến nhiều người giật mình bởi việc xã hội hóa trong các bệnh viện hiện nay rất phổ biến.

Mặc dù vậy, trong giới y tế đây không phải câu chuyện lạ lẫm vì xưa nay xã hội hóa trong y tế được coi là "mảnh đất màu mỡ" của các doanh nghiệp về y tế.

Tại nhiều bệnh viện công hiện nay có muôn vàn dịch vụ xã hội hóa từ máy móc, đến phòng bệnh "hạng sang" với giá thành đắt đỏ.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT BV ĐK Hùng Vương (Phú Thọ) là Phó Chủ tịch Hiệp hội Y tế tư nhân cho rằng: Hệ lụy rõ nhất khi đầu tư xã hội hóa trong y tế công sẽ kéo theo việc lạm dụng chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm… nhằm mục đích nhanh thu hồi vốn đầu tư, tăng lợi nhuận....

“Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm và cách quản lý của từng Giám đốc Bệnh viện, tuy nhiên dù ở mức nào thì cuối cùng đều dẫn đến hậu quả là lãng phí tiền bạc, tài sản của người bệnh và của xã hội”, ông Học nhận định.

Ông Học cũng cho rằng, khi có 2 chế độ công và tư trong cùng một Bệnh viện sẽ gây ra sự bất bình đẳng về mức độ phục vụ.

“Trong khi khu vực bình dân chấp nhận 2, 3 thậm chí 5 bệnh nhân một giường thì ở khu điều trị dịch vụ, mỗi bệnh nhân một phòng hoặc ít nhất là mỗi người một giường", ông Học phân tích.

Dẫu vậy, theo vị chuyên gia này, điểm đáng nói ở đây là các phòng ấy có thể được xây bằng nguồn vốn liên doanh, đóng góp phi ngân sách. Tuy nhiên, những phòng này lại được xây trên đất của Bệnh viện công tức là đất của Nhà nước. Chưa kể nhiều Bệnh viện tận dụng luôn các phòng bệnh có sẵn để làm dịch vụ.

Chuyên gia này cũng không ngần ngại đặt vấn đề, việc cho phép các Bệnh viện làm dịch vụ ngay trên nền tảng cơ sở hạ tầng có sẵn và nguồn gốc của nó là tài sản Nhà nước nhưng lại được thu tiền và chi cho cá nhân ở các Bệnh viện như hiện nay đã tạo ra một sự bất công giữa các ngành, nghề dịch vụ trong khu vực kinh tế nhà nước.

“Trong khối kinh tế mang tính công ích chúng ta có hệ thống trường học công lập, bệnh viện công lập, hệ thống các đơn vị làm công tác môi trường... Vậy nếu Bệnh viện làm được xã hội hóa, lập phòng khám, phòng mổ, phòng điều trị theo yêu cầu, chất lượng cao... để thu thêm tiền phí và dịch vụ của bệnh nhân thì trường học công lập cũng làm theo, các thầy, cô giáo cũng xây lớp chất lượng cao trong khuôn viên nhà trường rồi đặt ra các khoản thu.

Lúc đó nền kinh tế của chúng ta sẽ bị biến dạng, công không ra công, tư không ra tư. Chúng ta sẽ có một loại dịch vụ y tế không phải công lập hay dân lập nữa mà nó là một sản phẩm lai căng, nhập nhằng, gian lận, thiếu minh bạch và trốn thuế của Nhà nước”, ông Học phân tích.

Nhập nhèm công tư tạo điều kiện "móc túi người bênh"

Vị chuyên gia này cũng không bị bất ngờ trước những thông tin về vụ thổi giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông, dù đã có quy định về việc liên doanh, liên kết đầu tư mua sắm thiết bị tại bệnh viện công nhưng quy trình thẩm định giá đầu vào, tiêu chí xây dựng giá dịch vụ ra sao thì tới nay vẫn rất lỏng lẻo.

"Chẳng hạn, Thông tư 15 quy định giá thẩm định có thể dựa vào giá máy móc có sẵn đã tồn tại trên thị trường, nhưng giá trên thị trường có đúng không thì không ai trả lời được.

Hoặc với thiết bị chưa có trên thị trường thì buộc phải thuê cơ quan thẩm định độc lập nhưng lại thuê ngay “kẻ ăn cắp” đẩy giá lên, thành ra một hệ thống gian dối trục lợi”, ông Học phân tích và nhấn mạnh: Kẽ hở lớn nhất chính là đầu tư trang thiết bị với với tư cách tư nhân, nhưng lại đưa vào sử dụng trong môi trường công”.

Trong khi đó, với câu hỏi làm thế nào để chấn chỉnh việc đẩy giá máy xã hội hóa kéo theo nâng giá dịch vụ khám chữa bệnh vô lý, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết: “Trước hiện tượng lòng vòng thổi giá trang thiết bị y tế đã xảy ra trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã có lộ trình từng bước để tiến tới minh bạch, công khai.

Trước mắt sẽ khai trương công khai cổng thông tin niêm yết giá trang thiết bị, để các doanh nghiệp, công ty, các hãng có mặt tại Việt Nam công khai giá. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm cần có thời gian để thực hiện”.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai không được hưởng lợi gì?

Trả lời báo chí GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hệ thống máy móc liên kết mà công ty BMS đặt tại Bệnh viện Bạch Mai là 2 Robot giúp hỗ trợ phẫu thuật sọ não và một số kỹ thuật chấn thương chỉnh hình. Đây là kỹ thuật cao.

Ngay khi công an vào cuộc điều tra, Bệnh viện Bạch Mai đã chủ động niêm phong 2 máy này để phục vụ điều tra. Việc dừng 2 máy này không ảnh hưởng đến việc khám và điều trị bệnh nhân nói chung.

“Khi cơ quan điều tra vào, chúng tôi đã cho dừng các kỹ thuật này và thống kê. Ví dụ như máy Rosa, từ lúc triển khai đến thời điểm chúng tôi niêm phong đã mổ được 550 trường hợp. Kỹ thuật này là kỹ thuật mới, chưa nằm trong lĩnh vực bảo hiểm chi trả nên hầu hết chi phí người bệnh phải chi trả” – ông Tuấn cho biết.

Trước câu hỏi liệu có hay không việc cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cấu kết với đơn vị đặt máy móc xã hội hóa?, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết, cơ quan công an đang điều tra việc liên kết giữa nhà đầu tư và bệnh viện.

Theo ông Tuấn, những nhà đầu tư thiếu trung thực đưa vào Bệnh viện Bạch Mai máy móc đội giá quá cao so với thực tế làm ảnh hưởng rất nhiều uy tín của bệnh viện. Có thể có một số cán bộ Bạch Mai có thể liên quan điều đó.

“Tuy nhiên, tôi khẳng định hơn 4.000 nhân viên y tế Bạch Mai hết sức tận tâm tận lực phục vụ bệnh nhân, và họ hầu như không được hưởng lợi từ nguồn thu không chính đáng đó” – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Bài liên quan
comment Bình luận

largeer