Công dụng chữa bệnh của cây rung rúc

Cây rung rúc còn được nhân dân một số địa phương gọi là lão thử đằng, cây cứt chuột, câu nhi trà…. Đây là một trong số ít những vị thuốc được sử dụng trong thang thuốc điều trị bệnh phong thấp của danh y nổi tiếng Hải Thượng Lãn Ông.
08/05/2024 17:57

Mô tả

Cây rung rúc có tên khoa học là Berchemia lineata L, thuộc họ táo ta, mọc hoang khắp nơi, quả xanh vị hơi chát, quả chín mà tím đỏ vị ngọt. Tôi nhớ khi còn nhỏ thường cùng lũ trẻ trong làng vặt lấy quả chấm muối ăn.

Thân cây có hình dáng gần tương tự như cây mực (phèn đen), thân gỗ mảnh dạng dây gỗ có thể bám leo dài hàng mét, thường leo bám vào các cây bụi khác. Lá bóng, hình bầu dục, lá cây nhìn gần giống lá phèn đen những dầy và nhỏ hơn một chút. Hoa nhỏ, màu trắng. Quả có kích thước nhỏ hơn quả phèn đen, quả rung rúc có kích thước bằng hạt đậu xanh, hình bầu dục, khi quả còn xanh có màu xanh tím, khi quả chín chuyển sang màu chín đen. Quả xanh vị chát, quả chín vị ngọt.

Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây gồm cả lá, thân và rễ cây. Thân lá đem về cắt ngắn phơi khô, nếu dùng rễ người ta thường chặt vát thành từng miếng mỏng, phơi khô rồi đem sao vàng hạ thổ làm thuốc.

Tính vị: Rễ rung rúc vị hơi ngọt, hơi đắng, tính ấm. Được dân gian dùng làm thuốc điều trị chứng phong thấp.

rungruc

Cây rung rúc (Ảnh: Caythuoc.org)

Công dụng của cây rung rúc

Theo kinh nghiệm dân gian các bộ phân của cây rung rúc có một số công dụng chính sau: Lá, thân có tác dụng mát, thanh nhiệt giải độc.

Rễ cây có công dụng: Tiêu viêm; Giảm đau; Điều trị phong tê thấp; Đau mỏi vai gáy; Đau tức lưng; Nhức mỏi mình mẩy mỗi khi ngủ dậy; Đau các khớp gối, tay, cổ; Điều trị lao phổi, tiêu chảy.

Cách dùng cây rung rúc làm thuốc

Thuốc sắc uống

Thanh nhiệt, mát gan: Lá, dây khô 40g hãm với khoảng 1 lít nước sôi uống thay nước hàng ngày.

Điều trị bệnh lao phổi, ho ra máu: Cây rung rúc thân, lá, rễ khô 30g, sắc uống kết hợp với các vị  Bạch cập 10g, a giao 10g, cây mỏ quạ 20g đun với khoảng 500ml nước, đun cạn lấy 200ml nước uống hàng ngày.

Ngâm rượu rung rúc

Ngâm rượu độc vị: Rễ rung rúc phơi khô sang vàng hạ thổ, đem ngâm với tỷ lệ 1kg khô ngâm 2 lít đến 2,5 lít rượu 40 độ, ngâm trong thời gian khoảng 1 tháng dùng dùng được. Công dụng: Giảm đau nhức xương khớp, giảm đau mình mẩy, tê thấp.

Ngâm rượu kết hợp: Theo Hải Thượng Lãn Ông, rễ rung rúc còn được dùng ngâm kết hợp với các vị thuốc khác để điều trị bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp và tê bại vai gáy, đau lưng với liều lượng như sau: Rễ rung rúc khô 100g, rễ cỏ xước 100g, dây gắm 100g, vỏ cây chân chim 100g, tầm gửi dâu 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây đuôi chuột (cỏ roi ngựa) 50g, tầm gửi dâu 50g. Các vị thuốc sao vàng hạ thổ sau đó ngâm với khoảng 1 lít rượu, ngâm trong thời gian khoảng 1 tháng mỗi ngày uống 1 ly nhỏ.

Lưu ý khi sử dụng

Không tự ý dùng làm thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ đông y.

Xem kỹ hình ảnh và mô tả để tránh nhầm lẫn, trong tự nhiên có một số loại cây hình dáng khá giống với rung rúc như cây: Bồ cu vẽ, cây phèn đen…

Một số nghiên cứu về cây rung rúc

Xác định hoạt động chống viêm và giảm đau của cây rung rúc Berchemia lineata (L.): Thực nghiệm đã được tiến hành trên cơ thể chuột bởi nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y học cổ truyền Quảng Tây, Trung Quốc. Bằng những thử nghiệm cần thiết nhóm nghiên cứu đã xác định các chất chiết xuất từ Berchemia lineate (L.) có tác dụng chống viêm và giảm đau.

Xác định hoạt động bảo vệ gan từ chiết xuất cây rung rúc: Thêm một nghiên cứu trên cơ thể chuột của các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y học cổ truyền Quảng Tây, Trung Quốc; Nhóm đã sử dụng chiết xuất rung rúc Berchemia lineate (L.) trên cơ thể chuột bị tổn thương gan. Kết quả xác định chiết xuất rung rúc Berchemia lineate (L.) có hoạt động bảo vệ gan khỏi tổn thương do CCl4 gây ra.

Các Flavone trong cây rung rúc Berchemia lineata (L) có hoạt động chống khối u: Một nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Nam Trung, Quảng Tây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều nghiên cứu và đi tới nhận định các Flavone từ cây rung rúc cho hoạt động ngăn chặn sự phát triển của các khối u.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer