Cù mạch giúp lợi tiểu, điều trị bệnh lậu và ung nhọt sưng tấy

Trong số những loài cây thuộc chi cẩm chướng thì cây cù mạch là một trong những loài đẹp nhất. Không chỉ thế, cây cù mạch còn có một công dụng vô cùng quan trọng, đó là làm thuốc. Được biết, đây là vị thuốc truyền thống của nhiều nước ở châu Á, với nhiều công dụng nổi trội như lợi tiểu, điều trị bệnh lậu, ung nhọt, kinh nguyệt không đều…
08/12/2023 16:18

Vài nét về cù mạch

Cây cù mạch có tên khoa học là Dianthus superbus, thuộc họ Cẩm chướng.

Ngoài tên gọi này, cây còn được gọi bằng nhiều tên khác như cẩm chướng thơm, đại lan, cự câu mạch… Cây thuộc dạng thân thảo và khi dùng làm thuốc thì dùng cả cây (cả hạt, hoa và lá). Hạt cù mạch khi già chín có màu đen và hơi dẹt như hạt mè đen.

Vị thuốc cù mạch. Ảnh: Caythuoc.org

Vị thuốc cù mạch. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của cù mạch

Theo y học cổ truyền, cù mạch có vị đắng, tính hàn và có nhiều công dụng như:

- Thanh nhiệt, lợi tiểu tiện.

- Giúp bổ khí cho thận.

- Giúp tiêu tà khí ở bàng quang.

- Điều trị tiểu tiện không thông.

- Điều trị bệnh lậu.

- Giúp tốt râu đen tóc.

- Phá tan huyết đọng.

- Làm thông kinh nguyệt và điều trị kinh nguyệt không đều.

- Điều trị ung nhọt, sưng tấy.

- Làm tan màng mộng.

- Làm ra thai sản.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 6 – 12g thuốc (dùng toàn cây).

Đối tượng cần tránh:

Những người bị bệnh mà không do thấp nhiệt thì không nên dùng. Ngoài ra, phụ nữ ở giai đoạn thai tiền, sản hậu cũng không nên dùng (vì thuốc gây hư thai).

Theo sách Bản thảo cầu chân thì “chỉ người nào khí huyết thuần dương mới nên dùng, còn người nào tâm kinh có nhiệt mà dùng nó thì không những nhiệt không trừ mà còn sinh bệnh khác nữa”.

Ngoài ra, khi dùng làm thuốc, cần tránh dùng chung với phiêu tiêu vì hai vị này kỵ nhau.

Các bài thuốc thường dùng

Điều trị đau mắt đỏ khiến cho mắt sưng húp

Chuẩn bị: Cù mạch (lượng vừa đủ dùng).

Thực hiện: Giã nát rồi đắp lên mắt, kiên trì thực hiện thường xuyên sẽ khỏi.

Ghi chú: Sách Thuốc Bắc thường dùng còn ghi cách dùng cù mạch sao vàng rồi nghiền nát, sau đó lấy nước dãi của con ngan, hòa chung rồi bôi lên kẽ mắt. Tuy nhiên, ngày nay ta khó tìm nước dãi con ngan nên khó áp dụng cách này.

Điều trị chứng nhiệt kết hạ tiêu khiến cho tiểu tiện và đại tiện ra máu

Chuẩn bị: Cù mạch (40g), Bấc (50 sợi), cam thảo chích (30g), 5 lát gừng, sơn chỉ sao (30g) và 7 nhánh hành (dùng cả rễ).

Thực hiện: Nấu lấy nước uống, mỗi lần uống một lượng nhỏ khoảng 3g.

Các nghiên cứu về cù mạch

Hoạt tính chống oxy hóa và chống ung thư: Theo tạp chí Food Chemistry, chiết xuất etanol từ cù mạch có tác dụng chống oxy hóa và chống ung thư. Bên cạnh đó, theo tạp chí Food and Chemical Toxicology, cù mạch là dược liệu truyền thống nổi tiếng ở Châu Á và kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất ethyl acetate từ thảo dược này cũng có hoạt tính chống ung thư mạnh (đối với các tế bào ung thư SKOV, NCL-H1299 và Caski). Không chỉ thế, chiết xuất butanol từ thảo dược này còn có tác dụng chống virus mạnh.

Tác dụng đối với thận: Theo tạp chí Nutrients thì trong y học cổ truyền, cù mạch được biết đến là vị thuốc lợi tiểu, giúp chống viêm và tránh thai. Ở nghiên cứu hiện đại, các nhà nghiên cứu còn phát hiện trong cù mạch có một số hoạt chất giúp chống viêm và xơ hóa cầu thận (giúp giảm nguy cơ bị bệnh thận do tiểu đường).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer