Ninh Bình: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng cây bạc hà chiết xuất tinh dầu

Với mục tiêu phát triển cây dược liệu bạc hà trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học Công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình) đã phối hợp với Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Thành Công xây dựng mô hình: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng cây bạc hà chiết xuất tinh dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
04/12/2023 10:27

Tiềm năng từ cây bạc hà

Bạc hà hay còn được gọi là bạc hà nam, thuộc họ hoa môi với danh pháp khoa học là Lamiaceae. Bạc hà là cây thảo sống lâu năm. Thân cây mọc đứng hay bò và có phân thành nhiều nhánh nhỏ. Màu sắc thân xanh đậm hoặc tím nhạt với rất nhiều lông ngắn. Cây có mùi thơm nhẹ khá dễ chịu, vị hơi cay mát. Lá mọc đối, thon dài, kích thước 3-5 cm, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới đều có lông. Cánh hoa nhỏ, mọc tập trung, kết thành vòng ở kẽ lá. Cây ra hoa vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Cây bạc hà mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở nước ta, điển hình là ở Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Tây), Bắc Cạn, Sơn La. Mùa trồng thích hợp nhất là tháng 8-9, mỗi năm thu hái 2-3 lần (tháng 10-11, tháng 2-3, tháng 5) lúc cây chưa ra hoa hay vừa mới ra. Sau khi cắt đem phơi hoặc sấy khô.

Trong bạc hà, hàm lượng tinh dầu chiếm 1-1,2%, có khi cao hơn 1,3-1,5%. Tinh dầu là hỗn hợp từ các thành phần đơn hương: Cấu tử chính là Menthol 50-85%, Methyl acetate 9%, Limonene 6% và các thành phần khác (a - Pinene, Cineol, Sabinen, Myrcen, Methyl heptenon, Pulegone). Tinh dầu bạc hà đã được sử dụng phổ biến trong y học và làm đẹp, nó được biết đến với nhiều công dụng có lợi đến sức khỏe con người.

Một trong những công dụng quan trọng của tinh dầu bạc hà là khả năng giảm đau. Tinh dầu bạc hà có tính chất chống viêm và giảm đau, giúp giảm nhức mỏi cơ bắp và các triệu chứng đau nhức khác. Nó cũng có thể được sử dụng để giảm đau đầu và đau bụng. Tinh dầu bạc hà cũng có tác dụng làm dịu các triệu chứng của cảm lạnh và cúm. Đặc biệt, khi sử dụng chứa tinh dầu bạc hà giúp làm giảm tắc nghẽn mũi và làm thông thoáng đường hô hấp. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn có khả năng làm giảm cảm giác mệt mỏi và tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, tinh dầu bạc hà được sử dụng rộng rãi trong làm đẹp như các sản phẩm chăm sóc da và tóc để làm sạch, làm dịu và cân bằng da. Nó cũng có thể giúp làm sáng da và làm giảm tình trạng mụn trứng cá.

Thành công của mô hình mang lại

Để phát triển bền vững nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học Công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình (Trung tâm) đã phối hợp với Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Thành Công xây dựng mô hình: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng cây bạc hà chiết xuất tinh dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô. Mô hình được thực hiện từ tháng 02/2023 đến tháng 08/2023 với diện tích 01 ha.

hy

Cây bạc hà sinh trưởng, phát triển tốt tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm đã cấp đúng, đủ số lượng, cây giống bạc hà, phân bón vi sinh. Cây bạc hà được trồng với mật độ 200.000 cây/ha, khoảng cách cây 20-25 cm, hàng cách hàng 20-25 cm, lên luống cao 20 cm, sau khi trồng khoảng 03 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch lứa 1, sau 06 tháng cho thu hoạch lứa 2. Cùng với đó, định kỳ 2 lần/tuần, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây bạc hà, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân thực hiện mô hình đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Nhờ tuân thủ nghiêm các yếu tố kỹ thuật cũng như khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, cây bạc hà sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt 27,1 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, các hộ dân tham gia mô hình đã tiến hành chiết xuất được 236,9 lít tinh dầu bạc hà. Số sản phẩm tinh dầu bạc hà được Hợp tác xã bán cho các công ty về dược liệu với giá 1,5 triệu đồng/lít. Sau khi trừ chi phí, các hộ nông dân lãi trên 130 triệu đồng/ha.

Thành công của mô hình trồng cây bạc hà chiết xuất tinh dầu tại xã Yên Thái đã chứng minh được giá trị tiềm năng to lớn của cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Trong những năm tiếp theo, Ninh Bình cần nhân rộng các mô hình cây dược liệu có giá trị kinh tế cao để ngành dược liệu trở thành mũi nhọn của tỉnh, tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho người nông dân, thành viên của các hợp tác xã. 

Ths. Nguyễn Khoa Đăng, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học Công nghệ và Đo lường thử nghiệm, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình

comment Bình luận

largeer