Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua loạt nghị quyết quan trọng về sức khỏe và môi trường

Từ chống ô nhiễm không khí, siết quản lý sữa công thức, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 78 ngày 26/5/2025 cho thấy sự đồng thuận mạnh mẽ giữa các quốc gia trong việc giải quyết những thách thức y tế toàn cầu hiện nay.
28/05/2025 08:00

Tại Geneva, các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhất trí thông qua nhiều nghị quyết mang tính bước ngoặt. Trong đó, lộ trình cập nhật nhằm ứng phó với ô nhiễm không khí đặt mục tiêu tự nguyện: giảm một nửa tác động sức khỏe của ô nhiễm vào năm 2040. Đây là động thái nhằm đối phó với một trong những rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu, vốn khiến khoảng 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm, chủ yếu do các bệnh không lây như tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi.

Screenshot 2025-05-27 213423

(Nguồn: WHO)

Một nghị quyết khác mở rộng phạm vi của Bộ Quy tắc quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ, nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo sữa công thức và thực phẩm trẻ em trên nền tảng kỹ thuật số. WHO cảnh báo các chiêu trò tiếp thị trá hình, như dùng người ảnh hưởng hay nhóm “hỗ trợ” giả mạo, đang len lỏi vào cuộc sống của cha mẹ trên mạng xã hội và gây khó khăn cho việc kiểm soát.

Về nguồn nhân lực y tế, các quốc gia cam kết tăng tốc đầu tư vào đào tạo, tạo việc làm và giữ chân nhân viên y tế trong bối cảnh dự báo thiếu hụt hơn 11 triệu người làm việc trong ngành vào năm 2030. Các nước cũng thảo luận việc quản lý di cư y tế trên tinh thần công bằng, bền vững và có đạo đức.

Một bước tiến khác là nghị quyết hướng đến tương lai không chì, với cam kết cắt giảm tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm như chì, thủy ngân và các chất gây rối loạn nội tiết. WHO sẽ xây dựng kế hoạch hành động toàn cầu và hỗ trợ các nước lồng ghép sức khỏe vào chính sách môi trường và quản lý chất thải, nhất là rác thải điện tử và nhựa.

Chiến lược toàn cầu về y học cổ truyền giai đoạn 2025 – 2034 cũng được thông qua, nhằm thúc đẩy việc tích hợp y học cổ truyền, bổ sung và tích hợp (TCIM) dựa trên bằng chứng, đồng thời tôn trọng tri thức bản địa và bảo tồn đa dạng sinh học.

Một điểm nhấn đáng chú ý là việc chính thức công nhận Ngày Thế giới Phòng chống Sinh non (World Prematurity Day) như một chiến dịch y tế toàn cầu của WHO. Mỗi năm, sinh non gây tử vong cho hàng triệu trẻ nhỏ, và nghị quyết này kêu gọi đầu tư vào các biện pháp hiệu quả như hỗ trợ gia đình.

Hội nghị cũng thông qua nghị quyết cảnh báo về hậu quả sức khỏe nghiêm trọng của chiến tranh hạt nhân, từ tác động tức thì đến hệ thống y tế đến nguy cơ dài hạn đối với sự sống còn của nhân loại. WHO được yêu cầu cập nhật báo cáo khoa học về chủ đề này trước năm 2029.

Về thuốc giả và kém chất lượng – mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, các nước đồng ý lùi thời hạn báo cáo đến năm 2026 để hoàn thiện các khuyến nghị từ đợt đánh giá độc lập gần đây. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ nâng cao hiệu quả cơ chế cảnh báo và phối hợp toàn cầu trong lĩnh vực này.

Cuối cùng, hội nghị xác nhận việc treo cờ của các quốc gia quan sát viên tại Liên Hợp Quốc như Palestine tại trụ sở WHO, song khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc trở thành thành viên chính thức. Đồng thời, yêu cầu xem xét việc Argentina rút khỏi WHO sẽ được đưa ra tại phiên họp Ban Chấp hành vào đầu năm 2026.

Theo WHO

comment Bình luận