Đang chờ lên máy bay, người đàn ông 51 tuổi bỗng nhiên bị đột quỵ

Chiều 10/12, các bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết, khoa Cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ cứu sống một bệnh nhân 51 tuổi bị đột quỵ khi đang chờ giờ bay tại sân bay Tân Sơn Nhất.
10/12/2020 20:51

Theo đó, 12 giờ 42 phút ngày 8/12, bệnh nhân H.L.T. (51 tuổi) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Trước đó, ông T. đang chờ đến giờ bay tại sân bay Tân Sơn Nhất thì có biểu hiện rối loạn tri giác, lơ mơ, yếu liệt rồi ngã quỵ.

BS.CKI Nguyễn Đức Tới - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng nói đớ, méo miệng, yếu liệt nửa người bên phải, thực hiện y lệnh lúc đúng lúc sai. Ngay sau khi tiếp nhận, đánh giá lâm sàng, các bác sĩ đã nhận định bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ não cấp ở giờ thứ 2, ê kip nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ để kịp thời xử trí cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

10-12-20_dot_quy_2

Các bác sĩ thông tin về trường hợp bệnh nhân H.L.T.

BS.CKII Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, Trưởng đơn vị đột quỵ Bệnh viện Thống Nhất cho hay, sau khi khởi động quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân đột quỵ cấp, bệnh nhân đã được sử dụng các phương pháp cận lâm sàng cần thiết, trong đó quan trọng nhất là hình ảnh học: chụp CT Scan sọ não, CT mạch máu não.

Các bác sĩ nội thần kinh đã tiếp cận với bệnh nhân sau 5 phút bệnh nhân vào cấp cứu. Đánh giá hình ảnh và cận lâm sàng, bệnh nhân có chỉ định tái thông trong giai đoạn cấp, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp nội mạch. “Từ lúc bệnh nhân vào cấp cứu đến lúc được tiêm huyết khối tĩnh mạch là 33 phút. Đây là thời gian rất ngắn đạt được tiêu chuẩn điều trị đột quỵ trên thế giới. Ngay sau đó, bệnh nhân được can thiệp nội mạch để lấy huyết khối bằng dụng cụ thành công. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh, đánh giá lâm sàng có cải thiện, dần dần phục hồi các chức năng”- BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga nói

Theo BS Nga, bệnh nhân T. mắc bệnh cao huyết áp, là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ.

Sau khi điều trị tái thông bệnh nhân được tiếp tục điều trị phục hồi chức năng và theo dõi tránh trường hợp tái đột quỵ.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được khảo sát thêm các yếu tố nguy cơ cao khác: bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn lipid máu để điều trị kịp thời.

10-12-20_dot_quy

Bệnh nhân đang dần hồi phục các chức năng sau khi được can thiệp điều trị

Được biết, vừa qua, trung bình 1 quý, tại Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận khoảng 200 ca đột quỵ, trong đó khoảng 70% đột quỵ mạch mãu não. Các bệnh nhân đã được can thiệp điều trị tái thông, phục hồi các chức năng.

Các bác sĩ khuyến cáo: bệnh nhân đột quỵ cần được phát hiện và điều trị sớm, giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ tàn phế.

Các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ như: nói đớ, méo miệng, tê yếu nửa người. Đối với các trường hợp có dấu hiệu trên, thân nhân người bệnh không nên mất thời gian vào các phương pháp như cạo gió, uống nước chanh mà cần chuyển cấp cứu đến các đơn vị có khả năng điều trị tiêu huyết khối tĩnh mạch và can thiệp thần kinh cấp cứu.

Đột quỵ cũng có thể được dự phòng hiệu quả, người dân nên theo dõi và điều trị đúng các bệnh lý nền: cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch… ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia, và có chế độ ăn ít muối, mỡ động vật, ít đường. 

Hành khách đi máy bay có bệnh lý tim mạch cần kiểm tra tim mạch thường xuyên, đặc biệt là hành khách thực hiện những chuyến bay dài.

Theo SKĐS

comment Bình luận

largeer