Dáng ngồi vắt chéo chân: Lịch lãm nhưng nguy hiểm đến sức khỏe?

Ngồi vắt chéo chân là thói quen của rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên dáng ngồi này quá lâu, sức khỏe của bạn sẽ gặp những vấn đề rắc rối.
12/11/2020 09:27

Vào những năm 1980, vắt chéo chân được coi là dáng ngồi lịch lãm nhất. Điều này xuất phát từ việc diễn viên hài người Anh Kenny Everett thậm chí còn tự tạo nên tên tuổi của mình bằng dáng ngồi bắt chéo chân trong khi đang mặc váy và mang giày cao gót, ông bỏ chân xuống rồi lại bắt chéo chân và tuyên bố “bắt chéo chân là dáng ngồi lịch lãm nhất”.

Những người khác không thích bắt chéo chân và ngồi dạng chân hướng đầu gối ra phía trước. Thế nhưng dáng ngồi này lại chiếm diện tích lớn trên các phương tiện công cộng.

Những người này tham gia một chiến dịch công khai tại Mỹ vào năm 1999 có tên gọi “The Great Cross-out” – tạm dịch: Điều tuyệt vời của không bắt chéo chân. Chiến dịch này nhằm khuyên mọi người giữ sức khỏe bằng cách không bắt chéo chân cả ngày.

vat cheo chan

Thực sự, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, vắt chéo chân có thể gây nguy hại đến sức khỏe.

Vắt chéo chân có thể gây ra việc tăng huyết áp

Năm 2010, đã có 7 nghiên cứu cho kết quả rằng, tư thế đôi chân là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, trong khi một nghiên cứu khác lại cho kết quả ngược lại.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ có quy mô nhỏ và dựa vào việc lấy kết quả đo huyết áp một lần. Một nghiên cứu có quy mô lớn hơn được thực hiện ở một trung tâm điều trị huyết áp cao tại Istabul (Thổ Nhỹ Kỳ).

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với những người khi vắt chéo chân và không. Một lần nữa, kết quả cho thấy huyết áp tăng cao hơn khi chân họ vắt chéo. Nhưng điều quan trọng là khi các bước đo huyết áp được tiến hành liên tiếp khi họ vắt chéo chân và thả chân xuống, kết quả thu được là sau 3 phút thả chân xuống, huyết áp trở lại mức trước đó. Mức huyết áp tăng nhanh nhất với những người từng điều trị bệnh cao huyết áp.

Một nghiên cứu khác tại Nijmegen, Hà Lan đã tiến hành đo sinh lý nhiều người. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, sự kháng cự trong mạch máu không tăng khi nhịp tim thấp và hai chân vắt chéo, nhưng lượng máu đi từ tim lại tăng, chứng tỏ huyết áp tăng do việc bắt chéo chân đẩy máu về tim.

Vắt chéo chân gây suy tĩnh mạch, tĩnh mạch mạng nhện

Nhiều chuyên gia nhận định hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện bị gây ra bởi gen, ánh nắng và đứng quá lâu. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng ngồi vắt véo chân cũng có thể là một nguyên nhân. Tiến sĩ Hooman Madyoon, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm y tế Cedars Sinai giải thích: "Ngồi vắt chân làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch chịu trách nhiệm bơm máu về tim. Áp lực này cản trở lưu thông máu và có thể làm yếu đi hoặc tổn thương các tĩnh mạch ở chân, khiến máu bị rò rỉ gây nên hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện cùng các vấn đề khác".

Vắt chéo chân gây đau lưng và cổ

Theo chuyên gia vật lý trị liệu Vivian Eisenstadt, bạn sẽ có nguy cơ đau lưng và đau cổ nếu ngồi vắt chéo chân quá thường xuyên. Hông hơi xoắn lại khiến khung chậu mất thăng bằng, từ đó gây áp lực lên cột sống và dẫn đến các cơn đau. "Ngồi vắt chéo chân liên tục hàng ngày, hàng tuần là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đau lưng, cổ và thoát vị đĩa đệm", Vivian cho biết. 

Ngoài những tác hại đến sức khỏe, tư thế ngồi này cũng có những lợi ích nhất định. Cụ thể, ngồi vắt chéo chân làm tăng độ vững ở xương chậu. Điều này được chỉ ra từ nghiên cứu của Đại học Y ở Rotterdam, Hà Lan để có thể biết được bắt ngồi chéo chân cũng có lợi ích. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra những nam nữ trẻ tuổi khi họ ngồi thẳng chân hoặc vắt chéo chân đùi hoặc vắt chéo ở mắt cá chân.

Kết quả cho thấy, ngồi vắt chéo chân có thể tăng độ giãn của cơ hình lên 11% so với ngồi không vắt chéo chân và tăng 21% so với đứng. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể giúp tăng độ vững cho xương chậu.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer