Đậu ván trắng và những bài thuốc dân gian thông dụng

Trong y học cổ truyền phương Đông đã sớm ghi nhận những tác dụng của đậu ván trắng và dùng nó trong nhiều bài thuốc điều trị các bệnh thường gặp (trong đó có nhiều bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ).
31/03/2024 16:28

Vài nét về cây đậu ván trắng

Đậu ván trắng hay còn gọi đậu biển, bạch biển đậu, bạch đậu, nga mi đậu, bạch mai đậu, duyên ly đậu… Có tên khoa học là Lablab purpureus, thuộc họ Đậu: Fabaceae.

Đậu ván trắng là loại dây leo bằng thân quấn với các lá mọc so le, mỗi lá gồm 3 lá chét hình trái xoan thoi hoặc hình trứng nhọn, mặt dưới có lông. Hoa đậu ván trắng thơm, có màu trắng và mọc thành chùm. Quả đậu ván trắng dẹt và cong nhọn ở đầu, chứa 4 – 5 hạt hình thận hoặc hình trứng màu trắng ngà bên trong và có mồng ở mép.

Trong chế biến thức ăn, quả đậu ván trắng non ăn rất bổ, thường được dùng để xào, luộc. Hạt đậu ván trắng thường được dùng để nấu chè, nấu cháo, súp…

dauvantrang

Đậu ván trắng. (Ảnh: Caythuoc.org)

Giá trị làm thuốc của đậu ván trắng

Độc tính: Trong hạt đậu ván trắng có chứa chất Cyanogenic glycosides (khi vào cơ thể sẽ bị thủy phân) gây độc với các biểu hiện như nôn, khó thở, co giật, choáng váng… Tuy nhiên, chất này dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ nên khi rửa và nấu chín kỹ sẽ loại bỏ được.

Thành phần dinh dưỡng: Đậu ván trắng có mức năng lượng vừa phải (50 kcal/100g) và chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như đường, chất béo, chất đạm, Canxi, Magiê, Man gan, Phot pho, Ka li, Kẽm, các vitamin B1, B2, B3, B9, C…

Tính vị, công dụng: Theo y học cổ truyền, hạt đậu ván trắng vị ngọt, tính hơi ôn, có tác dụng bồi bổ tỳ vị, giải nhiệt, giải độc, điều trị phiền khát, huyết trắng, kém ăn, tiêu chảy lâu ngày, khó tiêu và đau bụng nôn mửa…

Cách dùng: Mỗi ngày dùng khoảng 8 – 16g thuốc sắc hay thuốc bột (sao vàng, tán mịn).

Công dụng của cây đậu ván trắng

Bên cạnh đó, các bộ phận của cây như lá, hoa và hạt còn được dùng trong các bài thuốc như:

Rắn cắn: Giã nát hoa, lá hoặc hạt đậu ván tươi và đắp lên vết rắn cắn (dùng hạt tốt hơn).

Tiểu ra máu: Sao vàng 20 – 30g lá đậu ván tươi rồi sắc lấy nước uống.

Yết hầu sưng đau: Lấy một ít lá đậu ván tươi, rửa sạch, nhai với muối rồi ngậm từ từ và nuốt nước.

Hay đổ mồ hôi, đổ mồ hôi trộm: Lấy hạt đậu ván sao chín, tán bột rồi uống với nước đun sôi để nguội.

Kinh nguyệt không đều, bế kinh lâu ngày: Dùng đậu ván trắng sao vàng, tán bột, mỗi lần uống 11, 25g với nước cơm, ngày uống 3 lần.

Băng huyết nặng: Lấy hoa đậu ván trắng sấy khô và tán nhỏ, mỗi lần uống khoảng 7,5 – 11, 35g với nước sắc từ gạo sao vàng. Lưu ý: Uống vào lúc đói.

Một số nghiên cứu về đậu ván trắng

Theo Tạp chí thế giới về khoa học dược phẩm và nhà thuốc (World journal of pharmacy and pharmaceutical sciences), chiết xuất các bộ phận của đậu ván trắng (trừ phần rễ) có tác dụng giảm đau.

Theo Tạp chí nông nghiệp và sinh thái Bắc Mỹ (Agriculture and biology journal of North America), chiết xuất từ lá đậu ván trắng còn có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm.

Theo Tạp chí dược phẩm IOSR (IOSR Journal of pharmacy), chiết xuất methanolic từ hạt đậu ván trắng (cũng như chiết xuất etanolic từ lá và hạt) đều có tác dụng chống tiểu đường thông qua cơ chế làm giảm lượng đường huyết trên chuột thí nghiệm bị tiểu đường.

Lưu ý

- Không dùng những hạt đậu đã bị chuyển sang màu đen hoặc tím.

- Những người tính hàn hoặc đang bị sốt, cảm lạnh không nên dùng đậu ván trắng.

- Không ăn hạt đậu ván trắng còn sống để tránh ngộ độc.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer