ĐBQH tỉnh Quảng Trị nói về vấn đề cá nhân làm từ thiện: Quy định 12 năm qua "không được cuộc sống đón nhận"

Trả lời PV của Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - Hà Sỹ Đồng đã nhận định: "Luật pháp phải bắt nguồn từ cuộc sống, phục vụ cuộc sống. Không nên cứng nhắc chỉ cho phép tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội mới có quyền huy động, kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".
26/10/2020 16:22

Miền Trung vừa trải qua đợt lũ lịch sử kinh hoàng với nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tính tới tối ngày 25/10, đã có 130 người chết, 18 người mất tích. Sau khi nước lũ rút, miền Trung có đến 885 ngôi nhà bị hư hỏng và 320 ngôi nhà vẫn đang bị ngập nước.

mua lu

Miền Trung hứng nhiều thiệt hại sau mưa lũ.

Cuộc sống của người dân gặp muôn phần khó khăn, bi thương. Chính vì vậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, đã có nhiều mạnh thường quân đứng lên quyên góp, ủng hộ người dân gặp bão lũ. Song hiện nay, có 2 luồng quan điểm trái chiều liên quan đến việc cá nhân làm từ thiện, đó là: 

Thứ nhất, để các mạnh thường quân tự do làm từ thiện, miễn là xuất phát từ động cơ tốt, giúp đỡ kịp thời các hoàn cảnh khó khăn.

Thứ hai, cần có cơ chế giám sát hoạt động từ thiện của cá nhân, tránh chồng chéo và gây áp lực lên chính quyền địa phương. Bên cạnh việc ứng cứu giúp đỡ bà con, chính quyền phải phân bổ người và phương tiện trợ giúp các đoàn từ thiện.

Các luồng quan điểm đưa ra được đông đảo người dân quan tâm, bình luận, người đồng tình, người phản đối và nhìn từ thiện với ánh nhìn không được thiện cảm vì bị nhiều cá nhân lợi dụng từ thiện làm bóng tên tuổi, trục lợi trên lưng người gặp hoàn cảnh khó khăn do mưa lũ.

Trước thực trạng này, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã có cuộc PV với ông Hà Sỹ Đồng - Đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Quảng Trị.

Phóng viên: Đại biểu có cho rằng cần có cơ chế giám sát hoạt động từ thiện của cá nhân không? Vì sao?

Ông Hà Sỹ Đồng: Có thể nói rằng, miền Trung vừa trải qua đợt lũ lịch sử với nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thông tin lũ lụt tang thương dồn dập tại miền Trung khiến nhân dân cả nước cùng hướng về nơi đây, thấp thỏm âu lo. Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, trong những ngày vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cả nước đã không quản ngại đường xa, khó khăn, nguy hiểm, đi tận nơi cứu trợ người dân vùng lũ. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, góp phần giúp nhân dân vùng lũ vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn…

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức cứu trợ, do nóng lòng được giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt nên nhiều đoàn cứu trợ trực tiếp đến các vùng ngập lụt, trực tiếp ủng hộ đến các đối tượng do mình lựa chọn trong thời tiết mưa lớn, mực nước dâng cao, nhiều vùng bị ngập sâu, lại chưa thông thuộc đường sá, chưa rõ tổng thể tình hình thiệt hại cũng như công tác cứu trợ, hỗ trợ đã được chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể của địa phương triển khai; trong khi các phương tiện đi lại còn thô sơ, dụng cụ bảo hộ chưa đầy đủ, nguy cơ mất an toàn về tính mạng và tài sản cho người tham gia cứu trợ là rất cao. Điều này đã làm  ảnh hưởng đến việc phân bổ các nguồn cứu trợ cho các vùng trong một địa phương không đồng đều, có nơi được nhiều đoàn đến cứu trợ, nhưng có nhiều nơi không được tiếp cận hàng cứu trợ; mặt khác việc cứu trợ tự phát tại các vùng lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm đến bản thân người cứu trợ, tạo sự thụ động trong công tác cứu hộ cứu nạn cho chính quyền địa phương.

dai bieu ha sy dong

Đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng.

Như vậy, quan điểm cho rằng để các mạnh thường quân tự do làm từ thiện, miễn là xuất phát từ động cơ tốt, giúp đỡ kịp thời các hoàn cảnh khó khăn là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên trong những lúc mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, cần phải có cơ chế phối hợp giữa những người làm từ thiện với các tổ chức ở địa phương; đồng thời cần có sự giám sát, trước hết là giám sát sự an toàn hoạt động từ thiện của chính cá nhân những người làm từ thiện.

 Trường hợp tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm thật sự mong muốn trực tiếp cứu trợ đến tận tay cho người dân, nên thông qua kênh của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, Hội Chữ Thập đỏ, Ban Vận động cứu trợ thiên tai các cấp để họ nắm được thông tin, có kế hoạch điều phối hàng cứu trợ một cách hợp lý và có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển hỗ trợ cho người làm từ thiện, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ.

Phóng viên: Xin Đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008 thì không một tổ chức, cá nhân nào được phép nhận tiền, hàng cứu trợ trừ 3 nhóm tổ chức được quy định tại Nghị Định này. Tuy nhiên, thực tế, hiện đang có rất nhiều người tự đứng lên quyên góp, ủng hộ giúp đỡ miền trung,...  Ý kiến Đại biểu như thế nào?

Ông Hà Sỹ Đồng: Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã được ban hành và có hiệu lực 12 năm qua, nhưng chúng ta đều biết quy định tại đây không được cuộc sống đón nhận. Hiện nay, tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân ta rất cao, điều này là rất đáng tự hào. Mỗi khi có thiên tai thì có hàng nghìn nhóm từ thiện đứng ra quyên góp, ủng hộ bão lụt; bây giờ nhà nhà làm từ thiện, người người làm việc thiện, hàng triệu cá nhân vẫn tiến hành quyên góp và cứu trợ tự nguyện. Bản thân nhiều người làm từ thiện không hề biết những quy định này; hoặc có biết và có thực hiện theo hướng dẫn và của địa phương nhưng vẫn không thông qua các tổ chức mà Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định. Như vậy, thực tế đã chứng minh Nghị định số 64/2008/NĐ-CP có những hạn chế, không phù hợp thực tiễn, không phát huy hiệu quả quản lý nên cần phải sửa đổi.

Nghị định 64/2008/NĐ-CP ban hành từ năm 2008, nhưng đến nay Chính phủ chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không. Luật pháp phải bắt nguồn từ cuộc sống, phục vụ cuộc sống. Không nên cứng nhắc chỉ cho phép tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội mới có quyền huy động, kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên, phải có sự quản lý, giám sát trong việc huy động quyên góp, không phải là cứ để cho các mạnh thường quân tự do làm từ thiện (theo cách suy nghĩ của nhiều người, miễn là xuất phát từ động cơ tốt, giúp đỡ kịp thời các hoàn cảnh khó khăn), mà cần có quy định cụ thể, vừa tạo mọi điều kiện tốt nhất và khuyến khích cá nhân, tổ chức đăng ký thiện nguyện với thủ tục không rườm rà, khẩn trương, kịp thời; nhưng cũng phải có sự ràng buộc trách nhiệm, không chỉ đảm bảo công khai, minh bạch trong thu, chi quỹ, mà còn phải đảm bảo an toàn tính mạng cho cả người dân và người đi cứu trợ, đây là một việc làm cần thiết và hết sức quan trọng.

Pháp luật phải đồng thời quy định phương thức đi từ thiện để bảo đảm an toàn cho những chuyến đi; Pháp luật cũng cần quy định công khai minh bạch tài chính, vừa ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyên góp để trục lợi, vừa  khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay, góp sức để gúp người gặp nạn để hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng. Khi đó, một cá nhân thiện nguyện đóng góp, ủng hộ cho việc từ thiện vào một quỹ sẽ yên tâm hơn khi biết đồng tiền của mình được đến đúng đối tượng cần giúp đỡ .

Chính vì vậy, việc xem xét, rà soát lại các quy định liên quan đến công tác cứu trợ hiện nay là cần thiết để phù hợp thực tiễn.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

cuu tro

Nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp cứu trợ đồng bào miền Trung.

Phóng viên: Trên thực tế, các trường hợp được nhận từ thiện, nơi thì quá đông đoàn ứng cứu, có những nơi lại không có đoàn nào. Như một chia sẻ của bạn đọc, tại xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình: một căn nhà trú ngụ của 30 người dân nhiều ngày chưa nhận được bất kỳ một món thực phẩm tiếp tế gì? Đại biểu nghĩ sao về sự phân bố, cứu hộ không kịp thời này?

Ông Hà Sỹ Đồng: Như trên tôi đã nêu, thời gian qua, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động cứu trợ cho nhân dân dân vùng bị lũ lụt; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình có người thân bị thương, chết, mất tích do lũ lụt gây ra, góp phần giúp nhân dân vùng lũ vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tuy nhiên, do chưa có sự hướng dẫn cụ thể của các cấp, các ngành, đã có nhiều đoàn thiện nguyện tổ chức cứu trợ tự phát đến với đồng bào thiên tai, không thông qua kênh của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, Hội Chữ Thập đỏ, Ban Vận động cứu trợ thiên tai của tỉnh, của huyện, của xã mà trực tiếp ủng hộ đến các vùng, các đối tượng do mình lựa chọn. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc phân bổ các nguồn cứu trợ không đồng đều giữa các địa phương, giữa các khu dân cư, nơi thì quá đông đoàn ứng cứu, có những nơi lại không có đoàn nào.  

Vì vậy, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm khi có nhu cầu hỗ trợ hàng hóa cứu trợ cho bà con vùng lũ nên liên hệ trực tiếp với chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để được thông tin, tư vấn, giới thiệu địa điểm cứu trợ, điều tiết hàng cứu trợ một cách hợp lý, đảm bảo tất cả người dân bị ảnh hưởng lũ lụt đều được tiếp nhận kịp thời hàng cứu trợ. Đặc biệt là sẽ được các cấp, các ngành, địa phương khâu khối, hỗ trợ phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ,  bố trí lực lượng, dẫn đường và tổ chức trao hàng cứu trợ đảm bảo an toàn, trong quá trình cứu trợ.

Phóng viên: Hiện tại dư luận đang cho rằng, cứ để cá nhân làm từ thiện, khi đó hàng sẽ được trao tận tay người gặp khó khăn, và nhất quyết không chịu thông qua tổ chức, chính quyền vì họ sợ các khoản quyên góp, hàng hóa sẽ bị ăn chặn. Xin đại biểu trả lời vấn đề này?

Ông Hà Sỹ Đồng: Các địa phương mong muốn các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm khi tài trợ thì có thông báo và phối hợp với Ban Vận động Quỹ thiên tai của tỉnh hoặc cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể ở địa phương để được thông tin, hướng dẫn và tạo thuận lợi nhằm hỗ trợ đến đúng địa chỉ, kịp thời, bảo đảm sự công bằng và nhất là an toàn tính mạng cho nhà hảo tâm. Đây là sự phối hợp nhằm tạo thuận lợi cho nhà hảo tâm. Còn nếu những nhà hảo tâm muốn đi thẳng đến địa chỉ đã chọn thì chính quyền địa phương cũng rất hoan nghênh.

Về cơ bản, các cấp chính quyền, Mặt trận ở Quảng Trị luôn trân trọng, tạo mọi điều kiện tốt nhất và khuyến khích, kêu gọi tất cả các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm giúp đỡ nhân dân bị ảnh hưởng do thiên tai; không ngăn cấm, hạn chế, cản trở việc cứu trợ nhân dân; không bắt buộc phải giao hàng hóa cứu trợ để tỉnh, huyện, xã phân phối; không cấm các tổ chức tổ chức, cá nhân trực tiếp giao hàng hóa cứu trợ đến nhân dân như một số bài  viết đăng trên mạng xã hội, trang facebook.

Tuy nhiên, trong điều kiện thiên tai bão lũ, đi lại rất khó, đôi khi có chỗ nguy hiểm mà người ở xa đến không biết, nếu nôn nóng và liều lĩnh quá thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản… Vì vậy, xác định việc cứu trợ là cấp thiết, kịp thời, nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng cho cả người dân và người đi cứu trợ, một số địa phương đã có văn bản chỉ đạo, trong đó yêu cầu phải có sự phối hợp giữa chính quyền với cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm trong quá trình tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ, bảo đảm việc cứu trợ đến nơi cần đến, nhất là an toàn cho các đoàn cứu trợ. Tuy nhiên, do các văn bản chỉ đạo trên chưa diễn đạt đầy đủ và sát thực với ý kiến chỉ đạo chung của tỉnh, của huyện nên có một số bình luận trái chiều, làm ảnh hưởng đến công tác cứu trợ của các địa phương.

Mặt trận, chính quyền các tỉnh miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước đối với những khó khăn, thiệt hại của mưa lũ vừa qua.

Xin cảm ơn Đại biểu Hà Sỹ Đồng đã trả lời phỏng vấn!

Trước đó, tranh luận về việc làm từ thiện của cá nhân, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã từng đăng tải bài viết: " Cá nhân làm từ thiện, pháp luật không cấm nhưng phải tuân thủ theo quy định" được đông đảo bạn đọc quan tâm. Theo đó, hoạt động từ thiện của cá nhân đang đứng trước nhiều bờ vực biến tướng và bị người dân "ném" về cái nhìn kỳ thị. Pháp luật Việt Nam không cấm cá nhân làm từ thiện nhưng phải tuyệt đối tuân thủ theo quy định pháp luật. 

Trao đổi sau bài viết, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết:

Khoản 5, 6 Điều 9 Nghị định 64/2008/NĐ-CP: Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã hỗ trợ cho từng hộ gia đình, cá nhân để địa phương có chính sách, phương án cân đối mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn trên địa bàn từ nguồn tiền, hàng cứu trợ của địa phương cho phù hợp.

Ngoài các hình thức huy động đóng góp bằng tiền, hàng; các tổ chức, cá nhân được thực hiện cứu trợ nhân đạo bằng hình thức cung cấp dịch vụ (miễn phí hoặc giảm giá một số dịch vụ) để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó, tại Việt Nam, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Việc tổ chức vận động đóng góp ủng hộ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản. Việc vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng.

Việc đóng góp tiền, hàng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện. Công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp trong mỗi cuộc vận động khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, đảm bảo tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị thiên tai.

Dương Nhung

comment Bình luận

largeer