Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Sự kết tinh truyền thống đại đoàn kết dân tộc

Nhân dịp Kỷ niệm 53 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 – 2/9/2022) và 53 năm thực hiện Di chúc của Người. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết: "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Sự kết tinh truyền thống đại đoàn kết dân tộc".
31/08/2022 10:36

Tư tưởng đại đoàn kết là một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn, đoàn kết ở trong Đảng, đoàn kết dân tộc và cả đoàn kết quốc tế. Đại đoàn kết không chỉ là tư tưởng lớn, nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nó đã trở thành đường lối chiến lược, nguồn sức mạnh và là động lực to lớn góp phần vào thắng lợi trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển đất nước.

Thực tiễn quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng, quyết định của đại đoàn kết đối với thắng lợi của cách mạng. Trong di sản mà Người để lại, có tới gần 50% số tác phẩm, bài nói, bài viết của Người đề cập đến vấn đề đoàn kết, cụm từ “đoàn kết” và “đại đoàn kết” xuất hiện khoảng 2000 lần, trong đó riêng Bản Di Chúc của Bác (viết năm 1965 và năm 1969) cụm từ “đoàn kết” xuất hiện 16 lần.

Bản Di Chúc là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cương lĩnh cách mạng soi đường cho nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ tiến lên giành độc lập tự do, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng cốt lõi trong Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là tư tưởng đại đoàn kết, là sự kết tinh tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tư tưởng đó thể hiện ở ba giác độ: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Về đoàn kết trong Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến việc thực hiện đoàn kết trong Đảng. Người coi đoàn kết trong tổ chức lãnh đạo là cơ sở, hạt nhân cốt lõi của đoàn kết nhân dân, dân tộc và quốc tế, là nguồn cội của mọi thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1927, trong Tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã khẳng định sự cần thiết phải có Đảng để liên lạc, đoàn kết lực lượng cách mạng cùng tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc: cách mạng muốn thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” [1].

Empty

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng cần phải làm: từ việc tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập đến các vấn đề hậu chiến tranh, từ đối nội đến đối ngoại, từ việc chung đến việc riêng... Tuy nhiên, vấn đề mà Người dành sự quan tâm hàng đầu là "Trước hết nói về Đảng", về đoàn kết trong Đảng. Khi nói về đoàn kết trong Đảng, Người đã 5 lần nhắc đến cụm từ "đoàn kết". Người chỉ rõ vai trò của đoàn kết đối với Đảng ta: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" [2].

Để tiếp tục gìn giữ truyền thống đoàn kết và tiếp tục phát huy vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã đặt ra các yêu cầu và giải pháp để tiếp tục củng cố khối đoàn kết trong Đảng trong điều kiện mới sau khi chiến tranh kết thúc cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với muôn vàn khó khăn đang ở phía trước. Trong điều kiện khó khăn phức tạp đó đòi hỏi “Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết”. Đảng mạnh khi khối đoàn kết thống nhất trong Đảng phải thường xuyên được tăng cường và khi “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” [3]. Đồng thời, cần phải “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình…”, trong quá trình tự phê bình và phê bình không được lợi dụng để trù dập, bôi nhọ, hạ bệ lẫn nhau, mà “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Mỗi đảng viên phải là người có đạo đức cách mạng, là công bộc của dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” để Đảng ta xứng tầm là một Đảng cầm quyền “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” [4]

Về đoàn kết dân tộc

Kế thừa những giá trị truyền thống dân tộc, cùng với việc nhấn mạnh đoàn kết trong Đảng, Hồ Chí Minh quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Người chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta”, vì vậy trách nhiệm của mỗi đảng viên, mỗi người dân cần phải gìn giữ, phát huy truyền thống đó như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Muốn làm được điều đó, với tư cách là một Đảng cầm quyền trong điều kiện mới, Đảng ta phải có những chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước, thực tế khách quan của thế giới và phải đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đó là cách tốt nhất để tập hợp lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bản Di chúc, Người đã đề ra các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân: Với đoàn viên thanh niên, “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng XHCN vừa “hồng” vừa “chuyên”; Với người nông dân cần có chính sách miễn thuế nông nghiệp một năm; Với phụ nữ, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”; Với thương binh, thân nhân gia đình thương binh liệt sỹ “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn…”… và cả những nạn nhân của chế độ cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện” [5].

Empty

Thông qua những chính sách đó, Hồ Chí Minh đã quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh đó không chỉ từ những người ở “phía bên này” mà còn có cả những người ở “phía bên kia”, không bỏ sót bất kỳ ai miễn là những người Việt Nam yêu nước không có sự phân biệt đối xử. Đồng thời còn thể hiện tư tưởng nhân ái, độ lượng, bao dung mang đậm phong cách Hồ Chí Minh.

Làm tốt được những việc nêu trên, Đảng ta sẽ hiện thực được điều mong muốn cuối cùng của Bác: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” [6]

Về đoàn kết quốc tế

Trong quá trình tìm đường cứu nước, hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng trong xu thế mới của thời đại khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản nhất thiết phải cần đến sức mạnh đoàn kết quốc tế. Thực tiễn hoạt động và lãnh đạo của Hồ Cí Minh đã cho thấy, Người thường xuyên quan tâm, vun đắp cho tình đoàn kết quốc tế để làm sao chúng ta tranh thủ tới mức cao nhất sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng nước ta. Hồ Chí Minh chính là hình ảnh sáng người của tình đoàn kết quốc tế.

Thực tiễn lịch sử cho thấy chúng ta có thể chiến thắng được những kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần là do dân tộc ta luôn biết đoàn kết đồng lòng, đồng thời còn có sự ủng hộ, đoàn kết của các dân tộc trên thế giới cả về sức người, sức của. Chính vì vậy, trong Di chúc, Người đã khẳng định những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam giành được không thể tách rời tình đoàn kết giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Trên cơ sở đó, Người đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các dân tộc anh em trên thế giới đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và một trong những dự định đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc của Người là: "tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta." [7]. Đó chính là truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", Hồ Chí Minh là hiện thân tốt đẹp nhất của truyền thống đó.

Với phong trào cách mạng thế giới nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hiện thân của tình đoàn kết quốc tế. Thông qua các tác phẩm, bài báo, bài nói chuyện, bằng những hoạt động thực tiễn, Người luôn kêu gọi các dân tộc, các đảng cộng sản  anh em trên thế giới đoàn kết cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, Người thật sự buồn, đau lòng khi chứng kiến cảnh mất đoàn kết của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế: "là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!". Vì lý do sức khỏe, không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "sứ mệnh hòa bình" để kêu gọi tình đoàn kết các đảng anh em, Người đã căn dặn Đảng ta phải có trách nhiệm khôi phục tình đoàn kết quốc tế: "Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghia quốc tế vô sản, có lý có tình". Đồng thời đặt niềm tin trọn vẹn vào tình đoàn kết quốc tế: "Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại" [8].

Người đã không quên gửi lời chào của tình đoàn kết quốc tế: "Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế." và hy vọng Đảng ta, nhân dân ta luôn đoàn kết, phấn đấu không chỉ vì một nước Việt Nam hòa bình giàu đẹp mà còn vì phong trào cách mạng thế giới: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" [9].

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tư tưởng đại đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Trong Di chúc Người đã vạch ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam một cách khách quan, khoa học và cách mạng, vừa phát huy được sức mạnh đoàn kết trong đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, vừa phù hợp với tư duy của thời đại. Tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn luôn tỏa sáng, soi đường cho dân tộc ta vững bước trên con đường phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 53 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã phát huy cao độ vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, luôn gắn đoàn kết trong đảng với đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế phát huy sức mạnh tổng hợp làm nên những thắng lợi to lớn trấn động địa cầu trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và những thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương

Tài liệu tham khảo:

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, t.2, tr.257.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.503, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.503, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.503-504, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tr. 29-30, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.518, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.515, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.517-518, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.518, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

comment Bình luận

largeer