"Dứt khoát không còn cảnh phu huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng"

Sáng ngày 16/8, đã diễn ra Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 ngành Giáo dục Thủ đô. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị trong năm học mới, Thành phố dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng.
16/08/2023 15:06

Ghi nhận, chúc mừng và biểu dương những thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thủ đô đã đạt được trong năm học qua, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận: Ngành GDĐT Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm học vừa qua, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp phát triển giáo dục của Thủ đô và đất nước. Đặc biệt, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn thành phố, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của ngành GDĐT Thủ đô đã đạt được những kết quả rất tích cực. 

Giáo dục Thủ đô đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học 2022-2023 và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển giáo dục. Đã và đang xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục Thủ đô cả về quy mô và chất lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Đặc biệt, trong năm học vừa qua ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được một số thành tích nổi bật như: Là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Trên phương diện giáo dục đại trà, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm học trước. Trên phương diện giáo dục mũi nhọn học sinh Thủ đô đạt 8 giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 Học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đứng đầu Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V do Bộ GDĐT tổ chức.

Nhấn mạnh, năm học mới 2023-2024, toàn ngành Giáo dục ra sức đổi mới, đổi mới theo chiều sâu, trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng đề nghị ngành Giáo dục Thủ đô cần ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Trung tâm truyền thông và sự kiện

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Trung tâm truyền thông và sự kiện

Trong đó, quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành Giáo dục đã đề ra. Tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình và đặc biệt năm nay là năm trọng tâm của quá trình triển khai Chương trình với khối lượng công việc lớn.

Tiếp tục triển khai các lớp theo đã thực hiện theo chương trình mới, triển khai mới với các lớp 4,8,11, chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cùng 5,9,12; tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Quan tâm, chỉ đạo và triển khai cụ thể, sâu rộng văn hóa học đường, sức khỏe học đường, tâm lý học đường và phòng chống bạo lực học đường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách chủ động, chu đáo.

Trong công tác xây dựng xã hội học tập, Bộ trưởng lưu ý, UBND thành phố, các Sở ban ngành liên quan cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp và có những giải pháp thúc đẩy xây dựng các mô hình học tập, trong đó có việc xây dựng “Đơn vị học tập” cấp thành phố, cấp quận, huyện trên địa bàn; hưởng ứng tốt Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng về "chất" trong tất cả các khía cạnh: trong dạy-học, kiểm tra-đánh giá; đảm bảo hạ tầng thiết bị, an toàn thông tin; đảm bảo dữ liệu ngành đúng, đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý; tăng cường kho học liệu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thúc đẩy học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh: Trong năm học mới đề nghị thành phố cố gắng trong công tác tuyển sinh đầu cấp, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước, theo Bộ trưởng, đây là việc không nên.

Ngành Giáo dục Thủ đô cũng cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục. Tiếp tục chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt - việc tốt.

Riêng về công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, Bộ trưởng chia sẻ: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương, nhà trường đã làm tốt nhưng chưa biểu dương để làm mẫu, điển hình cho các trường học, địa phương học tập và làm theo. Do đó, mong trong năm học mới Hà Nội sẽ làm được việc này và đây cũng là đặt hành của Bộ với ngành Giáo dục Thủ đô.

Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2022-2023, ngành GDĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Công tác chỉ đạo của Sở đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn. Ngành đã chủ động tham mưu UBND Thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.

Sự chuyển biến tích cực của ngành GDĐT trong năm học vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả của các đơn vị quản lý giáo dục từ sở cho đến các Phòng GDĐT và các nhà trường. Kết quả của năm học 2022-2023 là minh chứng khẳng định sự quyết tâm của toàn ngành trong nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Hà Nội đề ra phương hướng chung: Tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngành Giáo dục Hà Nội trong thời kỳ hội nhập phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer