"Giải cứu" chứng mất ngủ sau sinh

Dù mệt lả người, nhưng nhiều mẹ vẫn không thể chợp mắt vì chứng mất ngủ sau sinh. Nguyên nhân gây mất ngủ cũng như cách xử lý tình trạng này thế nào?
12/05/2021 05:59

Mất ngủ sau sinh là tình trạng rất phổ biến, nhất là trong giai đoạn đầu khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Lúc này, hầu như mẹ nào cũng phải thức giấc giữa đêm để cho con bú. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất ngủ này kéo dài liên tục, thậm chí ngay khi con đã ngủ tròn giấc cả đêm, mẹ sau sinh nên đặc biệt lưu ý.

cach-tri-mat-ngu-sau-sinh

Mẹ bị mất ngủ sau sinh trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

1. Nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh

Chứng mất ngủ sau sinh xảy ra khi mẹ không thể ngủ hoặc không ngủ ngon giấc dù đã mệt lả người vì chăm con. Trong một số trường hợp, mất ngủ sau sinh có liên quan trực tiếp đến chứng trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mẹ chỉ bị mất ngủ, không có bất kỳ triệu chứng trầm cảm nào đặc biệt.

Mẹ sau sinh bị chứng mất ngủ có thể vì những nguyên nhân sau:– Trằn trọc, không thể thư giãn tâm lý, bởi lúc nào cũng lo lắng nếu ngủ sẽ không nghe được tiếng khóc của con khi có vấn đề.

– Không thích nghi kịp với giờ giấc sinh hoạt của bé, dẫn đến bị lệch nhịp sinh học.

– Tác nhân bên ngoài như thời tiết, tiếng động xung quanh.

– Tâm lý bất ổn do thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ người thân. Mất ngủ vì lý do này rất dễ dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.

2. Mất ngủ sau sinh và những tác hại khôn lường

Chứng mất ngủ sau sinh kéo dài làm mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, cáu gắt, dễ nóng giận. Đặc biệt, nếu đang trong thời gian cho con bú, tâm trạng mệt mỏi này có thể ảnh hưởng đến hormone kích thích sữa mẹ tiết ra, từ đó dẫn đến ít sữa, hoặc mất sữa.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đưa ra bằng chứng cho thấy khi mẹ tức giận, cơ thể sẽ giải phóng một loại độc tố ảnh hưởng đến chất lượng sữa, từ đó tác động xấu sức đề kháng, chức năng tiêu hóa cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.

Trong một số trường hợp, mất ngủ sau sinh còn là nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh. Ở dạng nhẹ, chứng trầm cảm sẽ tác động đến tâm lý, làm mẹ thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực đối với cuộc sống, không còn hứng thú chăm sóc bản thân và con. Nặng hơn, mẹ bị trầm cảm sẽ không muốn giao tiếp, chăm sóc con. Thậm chí, nhiều mẹ còn xuất hiện cảm giác chán ghét chính con ruột của mình.

3. Điều trị mất ngủ sau khi sinh như thế nào?

– Chia sẻ công việc: Hãy thực tế, bạn không thể ôm đồm tất cả mọi việc. Riêng việc chăm bé ngủ, cho bé ăn nhiều khi cũng là quá sức trong một thời gian dài. Tốt nhất, bạn nên nhờ sự trợ giúp của anh xã hoặc người thân.

– Tranh thủ những giấc ngủ ngắn: Cho đến giai đoạn 3-4 tháng, khi bé bắt đầu ngủ theo giờ giấc ổn định hơn thì những giấc ngủ ngắn, thậm chí chỉ là nằm thư giãn vài phút ban ngày với mẹ là rất cần thiết. Bạn nên ngủ ngay khi bé ngủ để dành sức chăm bé không chỉ vào ban ngày.

Nếu đã trở lại làm việc, bạn nên tranh thủ giờ nghỉ trưa của công ty để nghỉ ngơi. Chỉ cần 15-20 phút chợp mắt cũng giúp bạn có thêm năng lượng. Hơn nữa, một giấc ngủ ngắn cũng tốt cho bạn trong giai đoạn này, vì nếu ngủ quá 30 bạn dễ bị chìm vào giấc ngủ sâu và khó khăn khi muốn tỉnh giấc.

-Tăng cường vận động và các hoạt động thư giãn: Nhiều mẹ bị mất ngủ sau sinh vì luôn cảm thấy khó ngủ, những vận động với cường độ vừa phải như đi dạo, nghe nhạc, đọc sách, “ tám chuyện” với bạn bè, hay những bà mẹ có con mọn trong khu dân cư cũng có thể làm tâm trạng mẹ được giải tỏa, thư giãn và dễ ngủ hơn.

– Theo dõi giấc ngủ: Ngược lại đối với một số mẹ sau khi sinh, ngủ trưa hay những giấc ngủ ngắn ban ngày có thể làm họ khó ngủ hơn buổi tối. Trong trường hợp này mẹ nên theo dõi và ghi lại, để biết nguyên nhân mất ngủ sau khi sinh và cân đối giờ ngủ cho phù hợp mà thể chất mẹ có thể cảm thấy khỏe mạnh và thoải mái nhất.

 

MInh An

comment Bình luận

largeer