Hà Nội gắn kết cùng báo chí

Hà Nội đã không chỉ tạo mọi điều kiện cho phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố tác nghiệp mà còn chủ động cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền. Nhờ đó, dù trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng thông tin “khổng lồ” vẫn được các cơ quan báo chí truyền tải hiệu quả.
21/06/2021 17:56

Bảo đảm thông tin thông suốt

Những ngày tháng 6, cùng với cái nắng hè bỏng rát và tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hết sức phức tạp, những thông tin chỉ đạo từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội cũng liên tục được Sở Thông tin và Truyền thông chuyển tới các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố.

Các nội dung đều xoay quanh các vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, như tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thủ đô, tại các khu cách ly tập trung; Các công điện khẩn của UBND TP; Việc bảo đảm an toàn cho công tác tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông;… cho đến những bức “tâm thư” của lãnh đạo TP xoa dịu những lo lắng, bất an trong Nhân dân; Kêu gọi doanh nghiệp, người dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19…

b8eafcdb95927ccc2583

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm phát biểu tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí

Các bài viết đều được chuẩn bị đầy đủ, phong phú, bảo đảm từ báo in, báo mạng, truyền hình đều có thể khai thác sử dụng. Ở chiều ngược lại, nhiều cơ quan báo chí cũng nhanh chóng phản ánh lại với chính quyền thành phố các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch bằng những hình ảnh, clip cụ thể, từ đó, giúp thành phố xử lý nhanh chóng, kịp thời, không để lại hậu quả.

Trong khi đó, trên trang thông tin của UBND TP, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội được cập nhật liên tục. Chỉ 15-20 phút sau mỗi cuộc họp, các nội dung, hình ảnh đã được truyền tải đi tới đông đảo các cơ quan báo chí không thể trực tiếp tác nghiệp do dịch bệnh phức tạp.

Cũng nhờ đó, các thông tin, chỉ đạo điều hành của thành phố Hà Nội nhanh chóng lan tỏa sâu rộng tới mọi người dân. Các thông điệp cấm tụ tập đông người, đóng cửa các nhà hàng, quán ăn… cho tới lời kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền thành phố đều nhận được sự ủng hộ hợp tác của đông đảo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân Thủ đô…

Được biết, Hà Nội có 600 cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn. Đây là điều kiện rất tốt giúp cho thành phố tiếp thu được rất nhiều thông tin từ dòng chảy của cuộc sống, lắng nghe ý kiến người dân làm cơ sở để hoạch định chủ trương, chính sách. Báo chí còn là lăng kính để thành phố đánh giá kết quả công việc, cái gì được để tiếp tục phát huy, cái gì còn hạn chế để khắc phục.

Xác định ưu thế đó, những năm gần đây, các ban, ngành thành phố đã có nhiều đổi mới trong cách thức phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thường xuyên có báo cáo điểm báo cho Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố để chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp thu, giải quyết.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, với mong muốn hướng tới xây dựng một trung tâm báo chí là ngôi nhà chung của các cơ quan báo chí trung ương và thành phố, Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát để nghiên cứu để thành lập trung tâm.

Trong quá trình chờ kết quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí phản ánh kịp thời, toàn diện, hiệu quả mọi mặt hoạt động của Thủ đô, đồng hành cùng thành phố trong triển khai các nhiệm vụ chính trị và tạo đồng thuận xã hội.

Trong đó, chủ động cung cấp các bài viết sâu, có tính định hướng cho báo chí; Đảm bảo thông tin được truyền đạt liên tục, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là những tin nóng, thời sự đang được báo chí quan tâm.

Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm, thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị của thành phố tổ chức họp báo định kỳ, họp báo đột xuất, chuyên đề, nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin cho báo chí.

Ngoài hình thức tổ chức họp báo, các cơ quan, đơn vị của thành phố có thể chủ động cung cấp thông tin cho báo chí qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội... bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích.

Tạo mọi điều kiện cho báo chí phát triển

Tại cuộc gặp mặt báo chí hồi cuối năm 2020, lãnh đạo TP Hà Nội đã khẳng định, tinh thần chung của thành phố là công khai, minh bạch, cởi mở với báo chí, tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động; Đồng thời yêu cầu UBND thành phố, các cấp, các ngành phải quán triệt tinh thần đó, không có hạn chế gì đối với thông tin báo chí.

Không chỉ mong muốn được chia sẻ, hợp tác với các cơ quan báo chí ngày càng sâu sắc, hiệu quả hơn, thành phố đã và đang có những việc làm cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp thông tin cho báo chí. Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp trang thông tin của Thành ủy Hà Nội (www.thanhuyhanoi.vn); duy trì, nâng cấp, tăng cường chất lượng Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (www.hanoi.gov.vn).

Ban Thường vụ Thành ủy đã có văn bản giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức họp báo định kỳ và phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục thực hiện giao ban với Tổng Biên tập các cơ quan báo chí của thành phố để chỉ đạo, định hướng tuyên truyền đối với báo chí theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngoài ra, đối với các cơ quan báo chí thành phố đã tự chủ về tài chính nhưng năm 2020 do tác động của dịch COVID-19 gặp khó khăn thì thành phố có chính sách hỗ trợ để bảo đảm mức sống và tiền lương cho cán bộ, công nhân viên. Đây là chủ trương đã được HĐND thành phố Hà Nội thống nhất thông qua...

Có lẽ chưa bao giờ, mối quan hệ giữa các cơ quan thành phố và báo chí lại gắn kết như giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, càng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, sự lan tỏa của thông tin lại càng mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Điều này không chỉ thể hiện sự coi trọng của thành phố với báo chí mà còn cho thấy, sự đúng đắn trong chỉ đạo điều hành đối với hoạt động thông tin tuyên truyền sẽ đem những hiệu quả tích cực ngoài sự mong đợi.

Tác giả: Hạnh Nguyên (TTTĐ)

comment Bình luận

largeer