Hà Nội: Hiệu quả bước đầu của việc thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử

Đến thời điểm hiện tại, việc thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử được Hà Nội triển khai, cài đặt, vận hành theo đúng tiến độ đề ra.
28/06/2024 11:48

Cụ thể, thành phố đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh; kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố với 661 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn.

Thành phố cũng đã tạo được dữ liệu của gần 10 triệu người dân từ hệ thống tiêm chủng vaccine COVID-19, tiêm chủng quốc gia, phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Trên 16,6 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố. Đồng bộ 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quy định của Bộ Y tế lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẵn sàng kết nối hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công an. Việc thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử đã tiết kiệm chi phí khoảng 83 tỷ đồng và các chi phí phát sinh khác.

thgioididong_1280x720-800-resize

(Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại lợi ích không chỉ cho người dân mà cả thầy thuốc, cơ sở y tế và cơ quan quản lý.

Đó là mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khoẻ điện tử theo dõi và lưu trữ suốt đời, quản lý toàn bộ xuyên suốt các hoạt động liên quan đến sức khỏe. Từ hồ sơ sức khỏe điện tử ngày sẽ hướng tới kết nối với mô hình khám chữa bệnh từ xa để người dân có thể chủ động tìm kiếm kết nối, tương tác trực tuyến với bệnh viện, bác sĩ khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.

Về phía thầy thuốc được cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám, giảm thời gian thăm khám, điều trị.

Với cơ quan quản lý, giúp cho UBND thành phố, Sở Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ dữ liệu hồ sơ sức khỏe có thể tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp UBND thành phố, Sở Y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng, đánh giá tình hình mắc bệnh không lây nhiễm và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn…

Với các cơ sở y tế, bước đầu hình thành kho dữ liệu sức khỏe người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được quản lý tập trung trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố; giúp chủ động phân tích được dữ liệu khám chữa bệnh của đơn vị mình trên hệ thống; kế thừa được dữ liệu khám chữa bệnh của các cơ sở y tế khác…

Trong thời gian tới đây, thành phố Hà Nội sẽ triển khai tiếp các mô hình phân tích, đánh giá, mô hình bệnh tật nhằm đánh giá xu hướng, tình hình mắc bệnh trên địa bàn thành phố, đồng thời nghiên cứu tích hợp các công nghệ lớn như BigData, AI vào hệ thống, nghiên cứu phương án chia sẻ thông tin sức khỏe người dân lên trung tâm điều hành y tế thông minh, trung tâm điều hành của thành phố Hà Nội.

Tiếp tục nâng cấp API chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân và tiếp nhận thông tin người dân khai báo từ sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng iHaNoi, nhằm hỗ trợ người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử quản lý toàn bộ sức khỏe gia đình, phục vụ công tác khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội để tiếp nhận dữ liệu sức khỏe người dân Hà Nội đi khám BHYT tại các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện bộ ngành và tại các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố khác.

Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch 188/KH-UBND ngày 20/6/2024 thông tin, tuyên truyền một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06/Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Trong đó có giao nhiệm vụ cho Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền đối với ứng dụng Hệ thống hồ sơ sức khỏe thành phố trên VneID. Chỉ đạo hệ thống cơ sở y tế các cấp thuộc sự quản lý tham gia tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan, người dân đến khám, chữa bệnh kịp thời nắm bắt về lợi ích, quyền lợi về hồ sơ sức khỏe điện tử. Đồng thời, vận động người dân chủ động, tích cực thực hiện việc cung cấp và cập nhật thông tin vào hồ sơ sức khỏe điện tử.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Đồng thời, Sở Y tế cũng phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn để cung cấp thông tin tuyên truyền về lợi ích của nhiệm vụ Đề án 06 trong lĩnh vực y tế đến người dân. Trong ngành y tế cũng sản xuất, đăng tải các sản phẩm truyền thông về lợi ích của hồ sơ sức khỏe điện tử trên Cổng Thông tin điện tử, mạng xã hội của Sở Y tế.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer