Hải Phòng: Tạo hình vi phẫu chuyển ngón chân lên tay tái tạo ngón tay cho bệnh nhân bị tai nạn lao động

Vừa qua Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã tiếp nhận trường hợp người bệnh T.V.T (36 tuổi), địa chỉ Tân Thọ, Nông Cống, Thanh Hóa sau tai nạn lao động cơ khí bị máy dập nghiền nát ngón I bàn tay phải đã được làm mỏm cụt từ tháng 7/2023.
22/01/2024 14:43

Sau phẫu thuật làm mỏm cụt mất đi ngón tay cái người bệnh đau nhiều và không thể quay lại lao động. Đến thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, người bệnh đã được tiến hành hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và BSCKII. Nguyễn Cao Viễn, Trưởng Đơn vị Vi phẫu, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Các bác sĩ đã thống nhất chuyển ngón chân lên tái tạo ngón tay cái phục hình trả lại bàn tay cho người bệnh. Sau hơn 100 ca vi phẫu nối chi thể đứt rời đã thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, đây là ca phẫu thuật vi phẫu tạo hình chuyển ngón chân lên tái tạo ngón tay cái thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện cũng như tại Hải Phòng. Đặc biệt ca phẫu thuật được thực hiện bởi các y bác sĩ giỏi nhất trong chuyên ngành vi phẫu tạo hình của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Khi sức mạnh cộng hưởng

10h sáng ngày 19/1/2024 các bác sĩ Vi phẫu tạo hình thẩm mĩ, Gây mê hồi sức cơ sở An Đồng cùng BSCKII. Nguyễn Cao Viễn đã tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Người bệnh đã được hai kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật đồng thời.

420640254_685303653624847_8731120623168137477_n

Những ngón tay người bệnh đã được vi phẫu thuật thành công

Kíp 1: Chuẩn bị nơi nhận vạt (bàn – ngón tay phải)

– Phẫu tích bộc lộ phần xương khớp đốt bàn còn lại vùng nhận vạt tại ngón cái tay phải

– Tìm gân gấp, gân duỗi dự kiến sẽ nối với gân của phần ngón chân đưa lên.

– Tìm và bộc lộ mạch nhận gồm 01 động mạch, 02 tĩnh mạch, tìm thần kinh cảm giác.

Kíp 2:

– Thiết kế theo đường rạch da hình chữ V và dích dắc để lấy vạt ngón chân. Lấy ngón thứ 2 bàn chân phải.

– Phẫu tích cuống mạch đủ dài để nối với mạch nhận.

– Phẫu tích gân gấp, gân duỗi đính kèm với từng ngón chân.

– Cắt xương

– Cầm máu, đóng trực tiếp vết mổ.

– Chuyển vạt và nối mạch, kết hợp xương bằng nẹp vis, nối gân gấp – gân duỗi.

– Phẫu tích, chuẩn bị mạch, nối mạch máu thần kinh bằng kính vi phẫu

Sau 6 giờ phẫu thuật thành công mạch máu ngón chân được chuyển lên tái tạo ngón tay cái lưu thông tốt, búp ngón hồng căng hồi lưu mao mạch khoẻ. Người bệnh được đặt dụng cụ bảo vệ ngón sau phẫu thuật.

Bác sĩ tận tâm – bệnh nhân hạnh phúc

Theo TS.BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng Khoa Điều trị Theo yêu cầu, trưởng kíp Vi phẫu tạo hình, trực tiếp tham gia phẫu thuật cho người bệnh cho biết: Sau phẫu thuật 1 ngày ngón chân được chuyển lên tái tạo ngón tay cái của người bệnh T.V.T đã hồi sinh có thể cử động, cảm giác được và được hướng dẫn tập phục hồi chức năng.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Đức Thành các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn thường hay gặp ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam. Trong thực tế, dù không hề muốn nhưng đôi khi chúng ta có thể chứng kiến những tai nạn mà một phần của cơ thể bị đứt rời, đặc biệt là các ngón tay, ngón chân, trong lao động sử dụng các loại máy cắt, máy cưa. Khoảng 30 năm trước ở Việt Nam (trên thế giới là 40 năm), câu trả lời là xã hội lại có thêm một người thương tật nặng vĩnh viễn. Cho đến nay thì câu chuyện về những nạn nhân bị đứt rời ngón tay, ngón chân và những phần khác của cơ thể đã khác hẳn vi phẫu thuật đã mở ra hy vọng điều trị cho người bệnh phục hình, tái tạo lại phần chi thể bị mất đi để tái hòa nhập lao động, cống hiến,…

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer