Hệ thống y tế tại Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19

Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng COVID-19. Hệ thống y tế Việt Nam trong 3 làn sóng đầu tiên, khi virus chưa biến đổi, số ca mắc bệnh còn ít, đã căng mình đáp ứng được tốt với việc đối phó với dịch bệnh.
02/11/2021 15:21

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam: Chính sách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam giai đoạn này là "Zero COVID" với các biện pháp ngăn chặn, phát hiện sớm ca bệnh, truy vết, cách ly, dập dịch nhằm cắt nguồn lây, tổ chức điều trị có hiệu quả.

Khi biến chủng Delta lây lan vào Việt Nam khiến lượng bệnh nhân tăng đột biến, hệ thống y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh cho người dân. Hơn nữa, việc giãn cách, cách ly không thể kéo dài vì sẽ gây ra sự kiệt quệ cho nền kinh tế, trong khi nguồn vaccine giúp ngăn chặn đại dịch đã được cung cấp dồi dào hơn; Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống y tế vẫn phải đang nỗ lực rất nhiều bởi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, biến thể mới Omicron vừa xuất hiện, các nhà khoa học đến nay vẫn chưa thể đưa ra những kết luận chính xác về biến thể này.

Thách thức của đại dịch COVID-19 với hệ thống y tế Việt Nam là rất lớn, do tính mới của tác nhân gây bệnh; kịch bản và chiến lược đối phó với dịch luôn phải thay đổi; dịch bệnh cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực tới mọi mặt của xã hội, cuối cùng là sự quá tải của hệ thống y tế...

Còn theo TS. Nguyễn Huy Quang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ nguyên nhân Việt Nam chuyển từ "Zero COVID" sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", cũng như những tồn tại, hạn chế cần được lưu ý, các bài học kinh nghiệm cần được rút ra cho hệ thống.

Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Văn Kính và TS. Nguyễn Huy Quang đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao khả năng ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế.

Các diễn giả cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch COVID-19; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 để đáp ứng yêu cầu cấp bách và thực tiễn nảy sinh.

Thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với phân cấp, phân quyền, lấy cơ sở, xã, phường, thị trấn làm nền tảng trong phòng, chống dịch; Phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; kết hợp hài hòa giữa thực hiện "bốn tại chỗ" với huy động lực lượng tăng cường (y tế, quân đội, công an); bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế; chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch theo từng cấp độ dịch từ sớm.

Về mặt chuyên môn cần: Bảo đảm tiến độ triển khai tiêm vaccine; tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước; Thực hiện nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; tiếp tục tăng cường xét nghiệm theo địa bàn, nhóm nguy cơ và tại ổ dịch; Tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống y tế cơ sở; tăng đầu tư trang thiết bị, cơ sở y tế, điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; Tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất thuốc điều trị COVID-19 trong nước, bảo đảm sản xuất được ít nhất 01 loại thuốc điều trị đặc hiệu trong năm 2022-2023; chủ động nguồn thuốc điều trị; Nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Song song với đó cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội đi đôi với phòng, chống dịch.

Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về sản xuất y tế, như quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vaccine dựa trên truyền thống nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc và vaccine trong nhiều năm qua, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường của nhân dân ta, của ngành dược, ngành y tế, sự nỗ lực của các nhà khoa học, chuyên gia, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

*"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Ly

comment Bình luận

largeer