Huyệt túc tam lý có tác dụng điều hòa khí huyết giúp nâng cao tuổi thọ

Huyệt túc tam lý là huyệt vị thứ 36 của đường kinh Vị. Theo y học cổ truyền, huyệt này có tác dụng điều hòa trung khí, bổ hư nhược, thúc đẩy lưu thông khí huyết… từ đó giúp nâng cao tuổi thọ.
05/12/2022 09:03

Huyệt túc tam lý là gì?

Huyệt túc tam lý là huyệt đạo nằm ở chân, còn có tên gọi khác là tam lý, hạ lăng, quỷ ta, hạ tam lý. Theo y học cổ truyền, huyệt vị này có tác dụng điều hòa khí huyết, lý tỳ vị, bổ hư nhược, điều trung khí và khu phong hóa thấp.

Tên gọi “túc tam lý” của huyệt vị thứ 36 ở đường kinh Vị được lý giải theo các cách sau:

huyet-tuc-tam-ly-tac-dung

Huyệt túc tam lý có tác dụng điều hòa khí huyết giúp nâng cao tuổi thọ

Liên quan đến việc đi bộ của binh lính: Huyệt hạ tam lý nằm ở chân (túc). Vào thời Chiến Quốc, khi được châm cứu hoặc bấm vào huyệt này, binh lính có thể đi bộ được tới hơn 3 (tam) dặm (lý) mà không mệt mỏi, nâng cao sức mạnh của toàn bộ đoàn binh. Vì vậy mà huyệt vị này được gọi là túc tam lý.

Nơi 3 phủ hội tụ: Huyệt tam lý nằm ở chân (túc) đây là nơi có 3 (tam) phủ là Đại Trường (trên), Vị (giữa) và Tiểu trường (ở dưới). Thêm nữa, 3 phủ này đang nằm bên trong (lý) nên được gọi là túc tam lý.

Theo vị trí của huyệt: Túc tam lý nằm ở chân (túc) cách vị trí khớp khối 3 (tam) thốn. Đồng thời, huyệt này cũng chứa 3 vùng trên – giữa – dưới của Vị bên trong (lý) nên được gọi là túc tam lý.

Ngoài ra, theo một số tài liệu về huyệt vị, huyệt túc tam lý có những đặc tính sau:

Túc tam lý nằm trong “Ngũ Du Huyệt” với vai trò của một huyệt Hợp, thuộc hành thổ.

Là huyệt giúp đưa chân khí xuống phần dưới của cơ thể.

Thuộc “Lục tổng huyệt” chủ trị các cơn đau vùng bụng.

Nằm trong nhóm huyệt “Hồi dương cửu châm” có tác dụng phục hồi dương khí, nâng cao sức khỏe.

Các thầy thuốc Đông y cho rằng, huyệt tam túc lý là huyệt vị quan trọng, có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối kết hợp cùng một số huyệt khác để trị bệnh về tiêu hóa, thần kinh, mắt. Do vậy, nó được xem là huyệt có tác dụng toàn thân, thường xuyên được ứng dụng trong châm cứu – bấm huyệt.

Hướng dẫn cách xác định vị trí huyệt túc tam lý

Là huyệt thứ 36 của đường kinh Vị, vị trí huyệt túc tam lý được xác định theo các bước sau:

Empty

Cách xác định huyệt túc tam lý tương đối đơn giản

Bước 1: Ngồi trên ghế, lòng bàn chân đặt trên mặt đất, cẳng chân ở vị trí vuông góc với đùi.

Bước 2: Dùng tay ấn nhẹ để xác định chỗ lõm phía ngoài của khớp gối.

Bước 3: Từ vị trí lõm đo xuống cẳng chân trước 3 thốn (tương đương chiều rộng của 4 ngón tay). Điểm chạm đến được gọi là huyệt túc tam lý.

Ngoài ra, để biết huyệt túc tam lý nằm ở đâu người bệnh cũng có thể úp 2 lòng bàn tay vào đầu gối sao cho ngón giữa chạm vào xương ống chân. Sau đó từ từ nhích mũi tay ra phía ngoài một chút, đó là vị trí của huyệt.

Tác dụng của huyệt túc tam lý trong trị liệu

Các cuốn sách về huyệt đạo cổ thường nhắc đến huyệt túc tam lý bằng câu thơ phiên âm Hán – Việt với vế đầu “Tam Lý cứu bất tuyệt”, vế sau là “Nhất thiết tai bệnh tức”. Khi ghép lại, câu này có nghĩa là việc bấm huyệt tam lý sẽ giúp tránh được nhiều tai ương về bệnh tật. Điều này trùng khớp với quan điểm của nhiều thầy thuốc Đông y ở các giai đoạn sau.

Theo Đông y, tác dụng chung của huyệt túc tam lý là bổ khí, bổ huyết, điều hòa trung khí, khí huyết, lý tỳ vị, khu phong hóa thấp. Tác dụng đối với từng cơ quan/hệ cơ quan như sau:

Nâng cao khả năng miễn dịch toàn thân: Thông qua cơ chế này, cơ thể bệnh nhân được phục hồi nhanh chóng, hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến suy giảm miễn dịch. Ở những người mắc bệnh mãn tính, ăn uống kém, suy nhược nghiêm trọng việc tác động vào huyệt còn giúp bồi bổ sức khỏe hiệu quả.

Hỗ trợ các bệnh lý về Tỳ vị: Bao gồm các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, đau dạ dày, nôn và buồn nôn, tiêu chảy, ợ hơi, táo bón thường xuyên, nấc…

Cải thiện các bệnh về Phế (hô hấp): Suy giảm chức năng phổi, ho hen, ngáy khi ngủ, khó thở.

Cải thiện tinh thần: Giải tỏa cảm xúc và tinh thần, giúp người bệnh luôn cảm thấy tích cực để có cơ thể khỏe mạnh. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp người bệnh nâng cao tuổi thọ.

Các biện pháp tác động vào huyệt

Các hình thức tác động vào huyệt tam lý phổ biến nhất là cứu ngải, cứu gừng hoặc tỏi và bấm huyệt. Cụ thể như dưới đây:

Empty

Các biện pháp tác động vào huyệt

Cứu bằng điếu ngải

Điếu ngải là việc sử dụng lá ngải cứu khô vò nát rồi quấn giấy lại như điếu thuốc lá sau đó hơ vào huyệt. Đây là cách tác động vào huyệt phổ biến nhất của Đông y, hiệu quả được các thầy thuốc đánh giá cao.

Cách thực hiện:

Lá ngải cứu khô đem tán vụn rồi cho vào giấy cuốn lại, tạo thành điếu ngải to chừng 1 ngón tay.

Châm lửa vào điếu ngải rồi hơ trên huyệt túc tam lý trong vòng 3-5 phút hoặc chờ đến khi xung quanh vùng huyệt và toàn thân có cảm giác ấm nóng là được.

* Lưu ý: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi không cứu bằng điếu ngải.

Cứu bằng gừng, tỏi tươi

Bên cạnh ngải cứu, gừng và tỏi tươi cũng được xem là vị thuốc có tác động mạnh mẽ vào kinh Vị và một số huyệt đạo. Vị cay, nóng của gừng và tỏi sẽ giúp cơ thể ấm nóng, loại bỏ đi các cơn đau bụng, giảm triệu chứng của bệnh về hô hấp.

Cách thực hiện:

Gừng tươi hoặc tỏi tươi đem thái thành từng lát mỏng rồi đặt lên vị trí huyệt.

Lấy một nhúm ngải nhung đắp lên gừng hoặc tỏi để tạo thành hình quả núi.

Châm lửa cho cháy phần ngải nhung, sau một lát cơ thể sẽ ấm nóng và bệnh nhân cảm thấy tinh thần được thư giãn.

Bấm huyệt

Đây được xem là phương pháp tác động phổ biến và được nhiều thầy thuốc áp dụng nhất. Khi bấm đúng huyệt sẽ có cảm giác căng tức dọc xương chày, cơ thể bệnh nhân sau đó được thư giãn, triệu chứng bệnh lý sẽ được cải thiện.

Cách thực hiện:

Ngồi trên ghế, chân vuông góc với mặt sàn, xác định đúng vị trí của huyệt.

Đặt ngón tay cái vào huyệt, 4 ngón còn lại ôm vào bụng chân (mặt sau xương chày) rồi day nhẹ nhàng trong 5 phút.

Tiếp tục dùng một lực mạnh hơn ấn vào huyệt, giữ trong vòng 5 giây rồi bỏ ra. Lặp lại động tác này 3 lần, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mục đích mà có thể thay đổi thời gian bấm huyệt).

Mỗi ngày có thể bấm huyệt trong vòng 15 phút trước khi đi ngủ để cải thiện sức khỏe. Việc nhờ người thân bấm huyệt hộ sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

* Lưu ý: Các phương pháp tác động vào huyệt túc tam lý phù hợp với những người tạng hàn. Những bệnh nhân tạng nhiệt thì nên rút ngắn thời gian cứu hoặc chỉ áp dụng bấm huyệt. Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người mà có thể kết hợp cứu ngải/bấm huyệt tam lý với một số huyệt đạo khác.

Cách bấm huyệt túc tam lý trị bệnh

Như đã nói ở trên, huyệt túc tam lý có tác dụng hầu như đối với toàn bộ cơ thể. Người bệnh có thể bấm huyệt này để điều trị một số bệnh dưới đây:

Yếu sinh lý thể tỳ khí hư

Tam lý là huyệt nằm đúng trên đường kinh Vị (mặt ngoài đầu gối và cách đầu gối 3 thốn). Do nằm ở vị trí giữa xương mác và xương chày nên việc day bấm huyệt có tác dụng điều trung khí, khu phong hóa thấp, lý tỳ vị. Từ đó, hệ tiêu hóa và cơ thể nam giới luôn khỏe mạnh, cải thiện hiệu quả tình trạng yếu sinh lý nam.

Cách thực hiện:

Ngồi thẳng lưng trên ghế hoặc giường, 2 chân thả xuống, lòng bàn chân chạm đất.

Tìm đúng vị trí huyệt túc tam lý rồi day nhẹ nhàng trong 5 phút. Thực hiện đều đặn hằng ngày để trị yếu sinh lý thể tỳ khí hư.

Bên cạnh đó, quý ông cũng có thể kết hợp day bấm huyệt túc tam lý và huyệt nội quan. Điều này sẽ giúp “cuộc ân ái” trở nên ngọt ngào và trọn vẹn hơn.

Cải thiện sức khỏe, tăng tuổi thọ

Trong tác phẩm “Danh gia mạn lục” có ghi chép lại phương pháp tăng tuổi thọ bằng việc bấm huyệt hạ tam lý. Tuy đây là cách làm của người xưa nhưng cũng rất đáng để tham khảo.

Cách thực hiện:

Bấm huyệt vào 8 ngày âm lịch đầu tháng (từ mùng 1 đến mùng 8 hằng tháng).

Thực hiện lặp lại mỗi tháng để kéo dài tuổi thọ, phòng ngừa bệnh tật.

Hỗ trợ bệnh nhân đau dạ dày

Bệnh nhân bị đau dạ dày bấm huyệt hạ lăng giúp khí huyết được lưu thông, giảm bớt các cơn đau, củng cố chức năng hệ miễn dịch. Vì vậy, Đông y luôn đánh giá cao vai trò của huyệt vị này trong điều trị bệnh dạ dày.

Cách thực hiện:

Xác định vị trí huyệt tam túc lý.

Lấy ngón tay cái bấm vào huyệt rồi giữ khoảng 2 phút hoặc duy trì đến khi chân có cảm giác tê thì dừng lại.

* Lưu ý: Nên thực hiện cách bấm này hằng ngày để nâng cao hiệu quả điều trị. Hạn chế việc bấm huyệt khi vừa ngủ dậy, chỉ nên bấm vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Theo Tạp chí Y học cổ truyền

comment Bình luận

largeer