Kỳ 1: "Báo động đỏ" - Nhân viên nhà thuốc chẩn đoán bệnh thay bác sĩ, tự ý bán thuốc trái quy định

Nhân viên của nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ cần nghe triệu chứng rồi chẩn đoán bệnh, chỉ định thuốc như bác sĩ, đồng thời tự ý bán thuốc kê đơn trái quy định, gây nguy cơ người dân mất tiền oan nhưng không khỏi bệnh.
27/12/2023 15:21

Người dân muốn nhanh chóng, không mất thời gian đi khám bệnh, để được bác sĩ thăm khám, chẩn bệnh, kê đơn. Các nhà thuốc mong muốn bán được hàng, tăng doanh thu, vì lợi nhuận, nên không tuân thủ một số quy định pháp luật. Điều này dẫn đến việc mua bán thuốc kê đơn không theo đơn thuốc diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP. Hà Nội. Đặc biệt người bán thuốc (khách hàng và cả PV, rất khó khăn xác định được nhân viên bán thuốc có phải là dược sĩ hay không) còn kiêm luôn bác sĩ để chẩn đoán bệnh, chỉ định dùng thuốc cho khách hàng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.

Để làm rõ tình trạng trên, Phóng viên đã đến một cơ sở bán lẻ thuốc có biển hiệu Nhà thuốc 115Pharma, tại địa chỉ số 210 Trung Kính, quận Cầu Giấy, phụ trách chuyên môn là dược sĩ Phạm Thị Huệ. Khi Phóng viên nói người nhà bị ho, viêm họng… lúc này người bán thuốc chỉ hỏi: “Ho khan hay ho có đờm?”, rồi đi lấy thuốc bán cho phóng viên với liều lượng tương ứng 2,5 ngày. Trong quá trình bán thuốc, người bán không hỏi khách hàng đã đi khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, được bác sĩ chẩn bệnh, kê đơn thuốc hay chưa và cũng không yêu cầu xuất trình đơn thuốc trước khi bán. Theo ghi nhận, người bán thuốc đã bán cho khách hàng 4 loại thuốc gồm Terpincold, sủi Paralmax, Methylboston và Scanax. Sau khi trả tiền, nhận thuốc, chúng tôi tiến hành tra cứu trong 4 loại mua được, thì phát hiện ra 3 loại thuốc là Terpincold, Methylboston và Scanax đều là thuốc nằm trong danh mục thuốc kê đơn, chỉ được bán cho khách hàng, khi có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.

1
13

Nhà thuốc tại địa chỉ số 210 Trung Kính, quận Cầu Giấy bán 4 loại thuốc thì có tới 3 loại trong danh mục thuốc kê đơn

Tiếp đó, Phóng viên có tới một số nhà thuốc khác cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy để ghi nhận về tình trạnh tuân thủ pháp luật trong bán thuốc kê đơn. Theo ghi nhận trực tiếp tại Nhà thuốc 365 có địa chỉ tại số 113 Trung Hoà, quận Cầu Giấy cho thấy, ngoài tình trạng bán thuốc kê đơn khi không có đơn của bác sĩ, thì dược sĩ ở đây còn kiêm nhiệm thêm vai bác sĩ, có thể nghe triệu chứng lâm sàng rồi chẩn đoán bệnh. 

Tại Nhà thuốc 365, chúng tôi ghi lại được tình huống, người dân tới đây chỉ cần nói triệu chứng bị đau tai, ngoáy tai có nước màu vàng, hơi ù tai, không đau, không sốt… thì người bán thuốc tại đây liền "phán" rằng người mua bị “viêm tai giữa”. Sau đó ngoài này liền đi lấy thuốc bán cho khách hàng với số lượng là 7 ngày, đồng thời viết ra liều lượng dùng mỗi ngày. Theo ghi nhận, mặc dù người mua không đưa đơn thuốc, cũng không nói cần mua thuốc gì. Nhưng nhân viên tại Nhà thuốc 365 đã bán thuốc kháng sinh Augmentin và thuốc nhỏ mắt Oflovid nằm trong danh mục thuốc kê đơn, mà không có đơn thuốc.

1

Dược sĩ tại nhà thuốc 365 tự ý bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc

Không chỉ riêng hai nhà thuốc trên, trước đó Phóng viên Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng nhiều lần ghi nhận được tình trạng người bán thuốc của nhà thuốc An Khang thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm An Khang Pharma; nhà thuốc Pharmacity thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Đống Đa... TP. Hà Nội cũng tự ý bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Có thể nói, việc người bán thuốc tự ý chẩn đoán bệnh, bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc đã quá phổ biến, đạt tới trạng thái "báo động đỏ". Bởi vì, những người bán thuốc tại nhà thuốc 365, 115Pharma, Pharmacity… theo quy định chỉ là dược sĩ, không phải bác sĩ có chuyên môn Tai – Mũi – Họng, không thông qua thăm khám, chỉ cần nghe các triệu chứng của khách hàng, nhưng lại đi tới kết luận khách hàng bị “viêm tai giữa” “viêm họng...". Câu hỏi đặt ra, nếu nhân viên bán thuốc “bắt bệnh” không đúng, cho dùng thuốc không đúng, thì người dân uống thuốc không khỏi bệnh, gây ra biến chứng, bị tác dụng phụ của thuốc, thì ai là người chịu trách nhiệm?

Luật Dược năm 2016 quy định rất rõ: Bán lẻ thuốc kê đơn, mà không có đơn thuốc là một trong các hành vi bị cấm; Cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ khi có đơn thuốc. Theo Nghị định 124/2021/NĐ-CP hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt đối với hành vi "bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc" áp dụng đối với các công ty kinh doanh dược có thể lên tới 30 triệu đồng.

Ngày 7/9/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4041/QĐ-BYT, phê duyệt đề án: “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu chính là “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; Trọng tâm là kháng sinh, qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý”. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Qua đây, để chấn chỉnh tình trạng người bán thuốc tự ý chẩn đoán bệnh thay bác sĩ, bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc tại các nhà thuốc trên địa bàn TP. Hà Nội. Chúng tôi đề nghị Thanh tra Sở Y tế, cơ quan Nhà nước liên quan, có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp và đặc biệt cần xử lý mạnh tay đối với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm trong việc tự ý bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Nhóm Phóng viên

comment Bình luận

largeer