Lai Châu phát triển cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái

Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư đến triển khai những dự án trồng cây dược liệu, tỉnh Lai Châu đã bảo tồn được nhiều loại dược liệu tự nhiên quý hiếm, đồng thời phát triển du lịch sinh thái, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc...
05/12/2023 11:56

Những năm vừa qua, tỉnh Lai Châu xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc. Qua rà soát đánh giá, Lai Châu hiện có tổng diện tích rừng là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 447.005 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng.

c3

Sâm Lai Châu được gọi là quốc bảo của địa phương với nguồn gen dược liệu quý hiếm. 

Từ chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, Lai Châu tích cực kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến triển khai những dự án trồng cây dược liệu. Lai Châu đã ban hành chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Nhờ đó, Lai Châu thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

c4

Khu bảo tồn và phát triển giống sâm Lai Châu tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường là nơi để các nhà khoa học tìm hiểu về cây sâm cũng như dành cho những ai quan tâm đến cây dược liệu

Hiện Lai Châu bảo tồn được nhiều loại dược liệu tự nhiên quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), lan Kim Tuyến, thảo quả, tam thất hoang... Bên cạnh đó, Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống được trên 100 ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Năm 2020, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây sâm. Sâm Lai Châu được tôn vinh, phát triển như vậy vì công dụng nổi trội so với nhiều dòng sâm khác tại Việt Nam và trên thế giới.

Khai thức tiềm năng địa phương, Lai Châu đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng; khuyến khích đồng bào, doanh nghiệp kết hợp xây dựng các mô hình du lịch sinh thái để thu hút du khách. Hoạt động này đã góp phần giúp ngành du lịch Lai Châu năm 2022 đón 762.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 550 tỷ đồng, qua đó tạo công ăn việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc và ngân sách địa phương.

Lai Châu phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng mới 900 ha cây dược liệu, xây dựng 5 cơ sở nhà máy chế biến và sản xuất giống. Đồng thời, xây dựng từ 1 - 2 sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Lai Châu. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đối với các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Việt Hoàng

comment Bình luận

largeer