Lần đầu tiên Việt Nam tiến hành điều trị cho bệnh nhân ung thư xương bằng mảnh ghép in 3D hợp kim Titan

Chiều 5/1/2021, TS.BS Lê Văn Tuấn - Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các bác sĩ tại đơn vị vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị ung thư xương mất một đoạn xương chày bằng kỹ thuật sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim Titan dạng tổ ong để thay thế xương chày mất đoạn.
06/01/2021 06:45

 

5-1-21_in_3d

TS.BS Lê Văn Tuấn - Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình chia sẻ về ca phẫu thuật

Bệnh nhân H.V.K. đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám từ tháng 3/2019 do khối u đầu trên xương chày trái to dần gây hạn chế vận động khớp gối. Kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh Osteosarcoma đầu trên xương chày trái. Từ ngày 1/3/2019 - 8/7/2019 bệnh nhân được hoá trị 6 đợt tại Khoa Ung Bướu.

Tháng 8/2019, bệnh nhân nhập Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cắt rộng bướu, đặt Spacer xi-măng kháng sinh và đặt khung cố định ngoài gối. Chiều dài khuyết hỏng đầu trên xương chày 11cm.

Bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, là trụ cột kinh tế của gia đình, các bác sĩ đã quyết định không thực hiện phẫu thuật ghép xương theo phương pháp kinh điển mà cần điều trị mảnh ghép cá thể hoá.

Bệnh nhân được sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim Titan dạng tổ ong để thay thế xương chày mất đoạn. Vật liệu ghép cho người bệnh được các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình hợp tác với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc) để chế tác, thiết kế dựa trên hình ảnh mô phỏng xương chày ở chân đối diện của người bệnh.

Sau nhiều lần đánh giá mảnh ghép và các bước làm sạch, kiểm tra nghiêm ngặt, mảnh ghép được vận chuyển về Việt Nam để phẫu thuật ghép cho người bệnh. Ngày 24/12/2020, bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công. Hậu phẫu ngày thứ 4 bệnh nhân đã có thể tập đi.

Theo PGS.TS Đỗ Phước Hùng - Phó Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, ở phương pháp điều trị kinh điển, bệnh nhân được chia nửa xương chày phía trên ghép cho phần xương chày phía dưới, sau phẫu thuật trục xương sẽ bị thay đổi.

Phương pháp chỉ phù hợp với những bệnh nhân cao tuổi, ít vận động. Đối với bệnh nhân trẻ tuổi, trục xương thay đổi sẽ gây hạn chế vận động. Ngoài ra là các hạn chế như: cuộc mổ kéo dài, vết mổ rộng, chảy máu nhiều khó cầm, nguy cơ nhiềm trùng cao, sau ghép quá trình hoá trị và xạ trị sẽ ảnh hưởng đến mảnh ghép.

Đối với phương pháp sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim Titan dạng tổ ong sẽ giúp bệnh nhân tránh được tất cả những hạn chế trên. Trước đây, tại một số bệnh viện đã ứng dụng vật liệu Titan in 3D để điều trị cho một số trường hợp, tuy nhiên là khối Titan đặc, mảnh ghép Titan in 3D tổ ong là thiết kế đặc biệt, ngoài trọng lượng nhẹ hơn so với khối Titan đặc, mảnh ghép dạng tổ ong sẽ giúp tế bào xương có thể tích hợp và phát triển, bền vững và lâu dài.

5-1-21_in_3d_2

Bệnh nhân H.V.K. sau phẫu thuật

ThS.BS Nguyễn Hoàng Phú cho biết, mảnh ghép Titan in 3D sử dụng những vật liệu bột kim loại Titan, ngoài ra có tỷ lệ nhỏ nhôm, vanadium. Từ năm 2015, tại một số nước phát triển trên thế giới đã công bố những ca bệnh đầu tiên được điều trị bằng các vật liệu Titan in 3D.

Tại Việt Nam, ứng dụng mảnh ghép Titan in 3D cá thể hoá điều trị mất xương hàm dưới sau cắt bỏ khối ung thư được phép thí điểm từ tháng 21/2019 tại Bệnh viện Ung Bướu.

Tháng 11/2019, Bệnh viện Xanh Pôn đã báo cáo 2 trường hợp ghép xương đùi nhân tạo bằng kỹ thuật in 3D khuôn đúc kim loại để tạo mảnh ghép vật liệu PEEK.

Tháng 3/2020, Bệnh viện K đã báo cáo trường hợp thay toàn bộ xương đùi qua ứng dụng thiết kế 3D khớp nhân tạo dạng module cấu trúc khối đặc điều trị bệnh nhân ung thư xương đùi.

Tháng 8/2020, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đã báo cáo trường hợp thay khớp gối dạng module kèm ghép xương kim loại khối đặc ứng dụng công nghệ in 3D cho bệnh nhân ung thư xương đùi .

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ý tưởng áp dụng mảnh ghép Titan in 3D điều trị các khuyết hỏng lớn xương tứ chi được nghiên cứu thực nghiêm trên thỏ từ tháng 5/2018, nghiên cứu ứng dụng trên người được chuẩn bị từ tháng 8/2019.

TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết, sau sự thành công của ca phẫu thuật cho bệnh nhân H.V.K., các bác sĩ đã trình đề án hợp tác lâu dài với Viện nghiên cứu CSIRO, tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực, bên cạnh đó là đề xuất các hành lang pháp lý, trang bị cơ sở vật chất… với hy vọng trong vòng 1-2 năm tới kỹ thuật có thể áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Theo SKĐS

comment Bình luận

largeer