Nghệ An: Nan giải bài toán phòng, chống tình trạng đuối nước ở trẻ em

Dù mới chỉ bước vào những ngày đầu hè nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ở tình trạng báo động.
By Phạm Thắng – Thu Hiền
03/06/2020 14:38

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, từ ngày 1/1/2020 đến 31/5/2020, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 14 vụ đuối nước liên quan đến trẻ em, làm chết 16 em độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi. Đây là hồi chuông báo động cho gia đình và xã hội, phải chăng tất cả những giải pháp đang áp dụng chưa đạt hiệu quả, thực hiện chưa đồng bộ?

Trẻ em tắm ở các kênh mương nước sâu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Nỗi đau xé lòng

Nhìn lên di ảnh hai con Nguyễn Thị P. (SN 2009) và Nguyễn Anh T. (SN 2011), anh Nguyễn Văn Khanh (xóm 3, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thẫn thờ như người mất trí nhớ khi nói về nỗi đau đớn tận cùng mất đi hai người con trong phút chốc. Không khí tang thương bao trùm lên căn nhà nhỏ. Từ trong nhà, tiếng khóc ai oán đến xé lòng của những người thân khiến ai chứng kiến cũng nhói đau.

Cố lấy lại bình tĩnh, lau vội giọt nước mắt đang lăn dài trên hai gò má đen sạm, anh Khanh kể vợ chồng anh có 4 người con (2 trai, 2 gái). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải xa quê, xa vợ con vào Đà Nẵng làm thuê. “Ngày hôm đó, tôi đang làm thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt, lo lắng nhưng không hiểu chuyện gì. Một lúc sau, người nhà gọi điện nói ở nhà xảy ra chuyện. Nghe tin, tôi như chết điếng, bỏ hết tất cả, tôi bắt chuyến xe sớm nhất trở về nhà”, anh Khanh đau xót.

Buổi trưa định mệnh ngày 23/5, sau khi đi học về, hai chị em P. và T. qua nhà ông nội cách đó không xa để chơi. Thời tiết nóng nực, hai em rủ nhau xuống ao nước trước nhà ông nội để tắm. Trưa cùng ngày, chị Hồng đi làm đồng về, không thấy con đâu, linh tính chuyện chẳng lành nên đã hô hoán mọi người tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Đồng hồ điểm 12 giờ trưa, chị Hồng bàng hoàng khi phát hiện thi thể hai con phía dưới ao nước. Khi vớt lên hai cháu đã bất tỉnh, mọi người gọi cấp cứu và dùng các biện pháp hô hấp nhân tạo, đắp đất lên người các cháu nhưng không chút hy vọng.

Các thầy, cô giáo hướng dẫn học sinh cách phòng tránh đuối nước.

Ngồi thất thần nơi bậu cửa, đôi mắt thâm quầng vì thức trắng đêm, anh Khanh tâm sự: “Lúc tôi đi các con còn khỏe mạnh, cười đùa, hứa với bố là sẽ ngoan ngoãn, nghe lời mẹ, chăm chỉ học tập. Hôm trước gọi điện về, cháu P. còn khoe với bố được 10 điểm môn Toán… Vợ chồng tôi có làm gì nên tội, sao ông trời lại nhẫn tâm với gia đình tôi như vậy?”. Nói rồi người cha thều thào gọi tên từng đứa con trong tiếng khóc nghẹn khiến ai nấy không kìm được nước mắt: “P. ơi, T. ơi…! Sao các con nỡ bỏ lại bố mẹ mà đi, các con không thương bố mẹ à…”.

không chỉ riêng gia đình anh Nguyễn Văn Khanh phải chịu đựng nỗi đau, sự mất mát không bao giờ bù đắp được này, mà trên địa bàn tỉnh nghệ An còn có nhiều gia đình cũng đang phải chịu đựng nỗi đau xé lòng từ hậu quả của đuối nước. Theo số liệu của sở  Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, tính từ ngày 1/1/2020 đến 31/5/2020, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 14 vụ đuối nước liên quan đến trẻ em, làm chết 16 trẻ độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi.

Cần giải pháp đồng bộ?

Thời gian qua, địa bàn tỉnh Nghệ An, thời tiết hết sức khắc nghiệt, nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C, nắng nóng xuất hiện từ sáng sớm kéo dài đến chiều tối. Để giải nhiệt, nhiều trẻ em rủ nhau tắm sông hay nghịch nước ở các ao hồ, điều này tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao.

Cắm biển báo tại những nơi thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra . Nạn nhân là các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Câu hỏi được đặt ra, chất lượng từ những chương trình kỹ năng sống về phòng chống đuối nước, các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo? Trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường, địa phương trong việc quản lý trẻ?

Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng, nguyên nhân những vụ đuối nước là do trẻ em không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Ngoài ra, do sự chủ quan, thiếu giám sát của bố mẹ. Việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em vẫn chưa thực sự phổ quát mà mới chỉ tổ chức theo kiểu tự phát, phạm vi nhỏ lẻ. Ở nhiều địa phương, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá vô tư diễn ra đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm.

Ngoài ra, ở các địa phương thiếu sân chơi cho trẻ. Đặc biệt, khu vực nông thôn, miền núi, trẻ em thiếu hoặc không có sân chơi. Các em thường tự tìm đến các nơi như sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch. "Vấn đề phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian tới, nhà trường, các bậc phụ huynh cần quan tâm, giám sát con em mình. Tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn cho trẻ, thực hiện các hướng dẫn về kỹ năng bơi an toàn và hướng dẫn kỹ năng cứu đuối cho các em. Các địa phương cũng cần rà soát, sữa chữa, cắm biển báo tại những “điểm đen”…, bà Nguyệt cho hay.

Tử vong do tai nạn đuối nước luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ở bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu đối với trẻ em. Do đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Đừng để một phút lơ là của người lớn làm đánh mất đi tiếng cười của trẻ thơ.

comment Bình luận

largeer