Nghiên cứu ứng dụng khoa học và phát triển dược liệu tại Việt Nam

Trong vài thập niên gần đây, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh.
23/12/2022 11:28

Nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam, cần sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu. Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu “đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước”.

Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác phát triển dược liệu đã được quan tâm và chú trọng. Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KHCN đã được các đơn vị trên cả nước tập trung nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của các địa phương và hướng tới xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, phát triển các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm vừa qua, nhiều nhiệm vụ KHCN tập trung nghiên cứu đánh giá nguồn gen và phát triển dược liệu đã được triển khai thông qua các chương trình KHCN các cấp.

c2

(Ảnh minh họa)

Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu

Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Nội dung hoạt động của toàn hệ thống tập trung vào: Điều tra và thu thập nguồn gen, bảo tồn nguồn gen (bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn trên trang trại), đánh giá các chỉ tiêu sinh học và tư liệu hóa nguồn gen, xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác nguồn gen, đào tạo và truyền thông.

Điều tra cơ bản, thu thập nguồn gen: Hoạt động điều tra cơ bản được nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học, vườn Quốc gia…triển khai trên cả nước. Trong đó, một số đơn vị thực hiện thường xuyên như Viện Dược liệu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội…

Bảo tồn nguồn gen: Song song với hoạt động điều tra là nghiên cứu bảo tồn những cây thuốc hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng, cây thuốc có giá trị, phương thức bảo tồn chủ yếu là bảo tồn tại chỗ (in situ) kết hợp với bảo tồn chuyển vị (ex situ). Các loài cây thuốc quý theo kinh nghiệm của các dân tộc được bảo tồn trên trang trại (on farm) thông qua việc hình thành các mô hình vườn cây thuốc, hiện đang được đặc biệt quan tâm phát triển thông qua các dự án liên quan đến bảo tồn tri thức bản địa và phát triển dược liệu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế... Viện Dược liệu hiện đang quản lý mạng lưới bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây thuốc với hơn 1000 nguồn gen thuộc hơn 800 loài tại các vườn Sa Pa, Tam Đảo, Hà Nội, Thanh Hoá, Phú Yên, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Từ năm 2011 đến nay, thông qua chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp Quốc gia, nhiều đề tài nghiên cứu đã và đang được triển khai nhằm đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác và phát triển nguyên liệu làm thuốc cho một số loài cây dược liệu. Trong đó, Viện Dược liệu đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên một số đối tượng: Đẳng sâm Việt Nam, Hà thủ ô đỏ, Ngũ vị tử, Sâm ngọc linh, Bạch truật, Sâm bố chính, Cát cánh, Độc hoạt, Kim ngân, Huyền sâm. Sản phẩm đạt được từ các nhiệm vụ này là cơ sở dữ liệu về phân bố và đa dạng nguồn gen cây thuốc, vườn giống gốc, tiêu chuẩn giống, mô hình nhân giống, mô hình trồng và sơ chế dược liệu. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.

Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu

comment Bình luận

largeer