Ngũ gia ba lá điều trị sỏi niệu đạo, viêm ruột, đau nhức khớp

Bên cạnh cây ngũ gia bì chân chim, trong y học cổ truyền còn có cây ngũ gia ba lá. Cây này giống như tên gọi, mỗi cuống lá của nó gồm có 3 lá chét mọc so le nhau. Vậy cây ngũ gia ba lá có công dụng chữa bệnh như thế nào?
15/11/2023 16:18

Đặc điểm cây ngũ gia ba lá

Cây ngũ gia ba lá có tên khoa học là Acanthopanax trifoliatus, trong đó, trifoliatus có nghĩa là ba lá chét. Giống với nhiều loại cây bụi khác, cây ngũ gia ba lá thường chỉ cao từ 1 – 7m và có gai, sống dựa vào nhau hoặc vào các cây khác. Bạn có thể nhận dạng lá cây bằng cách xem số lá chét (đa phần là 3 lá), mép lá (có dạng răng cưa) và cuống lá (có gai).

Hoa ngũ gia ba lá mọc thành từng cụm dạng tán và có nhiều tán ở ngọn nhánh, ngọn cây. Quả của cây nhỏ, tròn và hơi dẹt, khi chín thì màu đen và chỉ có hai hạt bên trong.

Hoa ngũ gia ba lá. Ảnh: Caythuoc.org

Hoa ngũ gia ba lá. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của cây ngũ gia ba lá

Theo y học cổ truyền, rễ và lá cây ngũ gia ba lá có vị đắng, mùi thơm, tính mát và có nhiều công dụng như:

- Hoạt huyết hành khí.

- Thanh nhiệt, khư phong.

- Tán ứ, giảm đau, điều trị đau ngực, đau lưng.

- Trừ thấp, điều trị phong thấp.

- Làm giãn gân cốt, điều trị đau nhức khớp.

- Tiêu thũng, điều trị sỏi niệu đạo.

- Giải độc, điều trị vàng da và viêm túi mật.

- Điều trị cảm mạo, sốt cao.

- Điều trị đau bụng, đau bao tử, tiêu chảy, viêm ruột.

- Điều trị bạch đới, viêm tuyến vú.

Cách dùng: Sắc uống từ 30 – 60g dây.

Dùng ngoài da:

Với trường hợp chàm, viêm mủ da, đòn ngã tổn thương và mụn nhọt: Có thể giã nát rễ và lá cây tươi rồi đắp lên (hoặc nấu lấy nước, để nguội và rửa thường xuyên).

Với trường hợp ghẻ và ngứa da: Có thể lấy cành nhỏ nấu lấy nước rồi rửa hoặc tắm.

Với trường hợp nứt kẽ chân và mụn nhọt: Có thể lấy rễ và lá cây ngũ gia ba lá (dùng tươi), giã nát cùng với hoa cúc trắng rồi đắp lên.

Thông tin thêm: Vỏ cây ngũ gia ba lá cũng được biết đến với tác dụng bồi bổ. Trong dân gian, vỏ cây được nấu lấy nước uống để bổ cơ, tăng cường trí nhớ, điều trị liệt dương, trẻ em chậm lớn và một số bệnh phụ khoa.

Các nghiên cứu về cây ngũ gia ba lá

Hoạt tính chống oxy hóa: Kết quả nghiên cứu cho thấy so với vỏ thân, rễ và vỏ rễ thì chiết xuất từ lá cây ngũ gia ba lá có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất (nhờ chứa nhiều flavonoid và polyphenol).

Tác dụng cải thiện nhận thức: Kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá cây ngũ gia ba lá giúp cải thiện nhận thức (thông qua tác dụng làm giảm chứng thiếu hụt nhận thức và giảm trầm cảm).

Hoạt tính chống viêm: Theo Tạp chí Food Science and Biotechnology, thân và lá cây ngũ gia ba lá có tác dụng chống oxy hóa và đặc biệt là chống viêm (nhờ nhiều hoạt chất, trong đó có axit chlorogenic).

Hoạt tính chống ung thư: Theo Tạp chí Archives of Pharmacal Research, chiết xuất từ cây ngũ gia ba lá có tác dụng ức chế đáng kể các tế bào ung thư như SF – 268, MCF – 7, HepG2 và NCI – H460.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer