Những bước chân thầm lặng gửi trọn tấm lòng nhân ái giúp người ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Chị Nguyễn Nhật Thu (SN 1989) tại quận Ba Đình, Hà Nội và nhóm bạn đã cùng nhau thực hiện những chuyến thiện nguyện mang nhu yếu phẩm đến với những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
20/08/2021 15:39

Bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào 21h tối

Lúc đầu, chỉ là một mình chị Nhật Thu đứng lên, lấy từ nguồn lương thực sẵn có của gia đình để làm từ thiện, sau có thêm những người bạn hỗ trợ cùng với sự tin tưởng của người thân, bạn bè đã giúp chị “chấp thêm đôi cánh” để mang đến nhiều điều lớn lao cho xã hội, con người trong lúc hoạn nạn này.

Empty

Đầu tiên, chị đặt “Gian hàng 0 đồng” tài trợ gạo cho người dân đến nhận, sau này có thêm người thân, bạn bè ủng hộ gạo, mì, rau, thực phẩm, sữa, trứng… “Nhìn thấy tôi và nhóm bạn giúp đỡ được nhiều người, nhiều hoàn cảnh, nên mọi người cũng thấy vô cùng phấn khởi và ấm lòng. Mọi người rất hảo tâm và hướng về tình thân của người với người”, chị Nhật Thu cho biết.

Empty

Đắn đo giữa dịch bệnh và những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nhưng vượt qua tất cả, nhóm những người bạn của Nhật Thu vẫn quyết định mặc lên mình bộ đồ bảo hộ, tránh tiếp xúc gần, thực hiện đúng quy định 5K bảo vệ bản thân và những người nhận quà để trao đi yêu thương.

Empty

Được sự ủng hộ từ phía gia đình, họ - những con người thầm lặng bỏ lại việc gia đình, chồng con, công việc để lên đường thực hiện điều ý nghĩa cho cuộc sống. “Khi trực tiếp làm và thấy những người cần được sự chia sẻ từ phía cộng đồng, chúng tôi sẽ dừng lại hết tất cả để cùng nhau giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất này. Đây là thế hệ của mình nên phải chiến đấu để chiến thắng đại dịch COVID-19”, chị Nhật Thu chia sẻ.

Empty

Mỗi sáng, bắt đầu từ 8h, nhóm những người bạn của Nhật Thu lại tất bật đến những ngõ ngách để trao những phần quà thiết yếu đến tận tay những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công việc của họ kết thúc vào 21h tối hàng ngày.

Empty

Trước khi có Chỉ thị 16, chị Nhật Thu đã hàng đêm đi thực hiện những chuyến thiện nguyện của mình dành cho những người vô gia cư nhưng sau khi có Chị thị 16, chị và nhóm bạn quyết định chỉ đi đến 21h để đảm bảo an toàn. Vẫn thường xuyên làm tình nguyện từ trước và giờ công việc đấy vẫn được nhóm những người bạn của Nhật Thu duy trì.

Hành trình ấy là cả tình thương

Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Hà Nội, chị Nhật Thu và những người bạn đã lên kế hoạch thực hiện ngay chuyến thiện nguyện đầu tiên. Đến khi UBND TP Hà Nội ra Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố thì cũng không làm ngăn cản được tấm lòng mà họ dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Empty

Trên những hành trình của nhóm Nhật Thu, không thể kể hết những nỗi vất vả, dòng mồ hôi ướt đẫm bộ bảo hộ vào những ngày nắng gắt hay trải đầy nước vào những ngày mưa dầm. Họ cùng nhau nối đuôi xách túi lớn, túi bé đến từng căn nhà, có cả những đoạn đường đi bộ dài đến 1,5 km để đến gõ cửa từng nhà, trao quà. “Giữa Hà Nội, nhưng chúng tôi phải đi sâu vào ngõ ngách, nơi không có ánh điện, hay ánh sáng mặt trời ở khu quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ”, chị Nhật Thu chia sẻ.

Empty

Không quản ngại là thế, nhóm những người bạn của Nhật Thu đến với những lán ở tạm của những người thợ xây, thất nghiệp, mắc kẹt tại Hà Nội bữa đói bữa nhịn. Họ là những người thợ xây lao động tự do, người dân tộc thiểu số xuống Hà Nội làm việc, nhìn những cảnh đời “màn trời chiếu đất” càng khiến cho nhóm của Nhật Thu thêm động lực để thực hiện hành trình ý nghĩa này.

Empty

Bước chân của họ tiếp tục dừng ở một xóm trọ với những gia đình hết sức khó khăn, ấn tượng của Nhật Thu là đôi vợ chồng già nơi xóm trọ đó, tự chăm nhau, cụ ông bị tai biến, mất kiểm soát hành vi. Khi nhóm đến trao quà, cụ bà xúc động khóc, tay bắt mặt mừng cảm ơn những tấm lòng đã dành cho hai cụ lúc gần cuối đời.

Tiếp đến là ngôi nhà có cụ bà bị liệt cả hai chân, dù nhóm có ưu ái biếu cụ 2 phần quà nhưng cụ vẫn chỉ lấy 1 phần quà, nhất định không lấy thêm. “Cụ có nói với chúng tôi rằng: ‘Giờ lớn tuổi, không ăn nhiều, nếu lấy thêm thì những người khác sẽ không có’, khi nói đến đây đoàn chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt, nắm tay cụ thật chặt an ủi, sẻ chia”, chị Nhật Thu bùi ngùi nhớ lại.

Empty

Hay như trường hợp khó khăn của người mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ, chồng mất sớm do bị đột quỵ, 4 mẹ con bơ vơ, chị bán nước chè, giờ phải nghỉ chỉ có rau cháo nuôi nhau. Nhìn hoàn cảnh đó, cũng khiến cho đoàn tình nguyện dâng trào những cảm thương rồi không biết 4 mẹ con họ sẽ ra sao khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.

Có những buổi tối trời mưa to tầm tã, nhóm Nhật Thu chứng kiến cảnh một người phụ nữ đội mưa bới thùng rác để tìm đồ ăn hay đồ nhựa để kiếm chút ít qua ngày. Nếu không trực tiếp nhìn thấy thì không thể biết hết được sự đói khổ của người dân nghèo gặp phải đại dịch khiến họ càng khó khăn thêm. Khá hơn thì có những người vô gia cư, thuê phòng trọ 15 nghìn đồng/ngày, gần 10 người ở chung một phòng, bình thường đi nhặt ve chai, giờ “ai ở đâu ở đó”, nằm trong đó 1 tháng, đói khổ, không có gì ăn, đau ốm, không có tiền chữa trị, mua thuốc men để uống. Nhìn thấy những cảnh người như vậy, những hàng nước mắt của đoàn người cũng lặng lẽ rơi vì thương xót.

Empty

Các xóm trọ có hàng ngàn sinh viên trọ, thiếu tiền trọ, ăn mì tôm qua ngày, chắt chiu từng đồng tiết kiệm, đều có bước chân của nhóm Nhật Thu đến hỗ trợ. Hoặc như xóm chạy thận ở Ngọc Hồi, Thanh Trì cũng để lại những cảm xúc dành cho nhóm khi đến đây hỗ trợ. Mang trên mình bệnh tật, công việc của họ chỉ là đi đánh giầy, nhặt rác, ve chai, đỡ đần chi phí của gia đình với viện phí chạy thận. Bình thường họ đã khó khăn, giờ không có tiền để đi lọc máu 3 ngày/lần. Chị Nhật Thu và những người bạn không khỏi bùi ngùi khi đến đây và nhìn thấy hoàn cảnh của họ như vậy.

Empty

Trải qua những chuyến đi là những cảm xúc nhất định trong mỗi người họ cùng với đó là niềm đau xót khi chứng kiến biết bao hoàn cảnh khó khăn nương tựa nhau mà sống giữa chốn phồn hoa đô thị này. “Chưa bao giờ thấy người Việt lại yêu thương nhau đến như vậy, đúng với câu ‘lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn’, tôi rất tự hào về người dân trên đất nước đều đoàn kết, hỗ trợ nhau hết mực, san sẻ tình thương bằng những việc làm thiết thực, tổ chức các ‘Gian hàng 0 đồng’, ‘Siêu thị 0 đồng’, ‘ATM gạo’,… Cuộc sống bình thường thì cứ trôi qua với những bộn bề công việc nhưng khi đất nước gặp hoạn nạn thì cùng đùm bọc, giúp đỡ nhau như lúc này”, chị Nhật Thu nghẹn ngào chia sẻ thêm.

Empty

Chính những lúc này, dù món quà nhóm những người bạn của Nhật Thu đi phát không lớn lao, nhưng lại vô cùng quý giá, thấm đậm tình người. Nhật Thu và những người bạn của mình mong muốn cả nước đồng lòng, chung tay để vượt qua đại dịch hướng tới một tương lai tương sáng hơn.

Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer