Những công dụng chữa bệnh từ cây thị

Cây thị có tên khoa học là Diospyros decandra, thuộc họ thị và là cây ăn quả quen thuộc của Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Không chỉ vậy, cây thị còn mang đến nhiều công dụng trong chữa bệnh.
13/06/2023 17:21

Tác dụng làm thuốc của quả thị

Vỏ quả: Vỏ quả thị có chứa tinh dầu thơm, có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc và thường được dùng ngoài da trong các trường hợp như:

- Giời leo: Lấy vỏ thị khô, đốt thành than rồi tán mịn, bôi lên.

- Rắn cắn: Phơi khô vỏ thị, đốt thành than, tán nhuyễn rồi cho thêm chút dầu mè hoặc mỡ lợn, sau đó đắp lên vết cắn.

Thịt quả: Theo kinh nghiệm dân gian cũng như kết quả thử nghiệm thì thịt quả thị có tác dụng xổ giun. Thông thường, người dân lấy từ 2 – 4 quả thị chín vàng và cho trẻ con ăn vào buổi sáng, lúc còn đói để giúp ra giun, nhất là với giun kim.

Ngoài ra, quả thị còn có tác dụng an thần nên ở Campuchia, người ta còn dùng quả thị để điều trị mất ngủ.

Những công dụng chữa bệnh từ cây thị. Ảnh: Caythuoc.org

Những công dụng chữa bệnh từ cây thị. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của lá thị

Công dụng nổi trội thường được nhắc đến của lá thị chính là gây trung tiện (cùng với hạ khí, tiêu viêm và giảm đau). Thông thường, trung tiện là một hoạt động sinh lý bình thường (mặc dù nó có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh). Tuy nhiên, trong trường hợp phẫu thuật, trung tiện lại có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó báo hiệu ruột của người bệnh đã thông (tức không bị các vấn đề sau phẫu thuật như tắc ruột).

Vì vậy, trong trường hợp sau khi mổ mà người bệnh không “xì hơi” được (hoặc trong trường hợp người bình thường bị trướng bụng), có thể dùng lá thị để gây “xì hơi” bằng các cách sau:

Cách 1: Lấy một ít lá thị tươi, rửa sạch, giã nát rồi rịt một phần vào hậu môn, phần còn lại thì đắp lên rốn và cố định lại.

Cách 2: Lấy 100g lá thị khô sắc lấy nước uống, sắc đến khi nước rút còn 100ml thì ngưng. Lưu ý, chia thuốc thành nhiều lần uống và mỗi ngày chỉ uống từ 20 – 30ml nước sắc, đồng thời kết hợp dùng bông gòn tẩm nước sắc đắp lên rốn.

Cách 3: Lấy lá thị thái mỏng, phơi khô rồi cuộn vào giấy làm điếu hút, ngày hút 3 lần.

Ngoài tác dụng gây trung tiện, nước sắc từ lá thị còn có tác dụng điều trị phù thũng (mỗi ngày sắc uống từ 30 – 50g).

Dùng ngoài da: Trong trường hợp bị mụn nhọt hay bỏng lửa, có thể lấy lá thị tươi, giã nát và đắp lên da. Nếu bị thương lở loét, có thể lấy lá thị nấu lấy nước thật đặc rồi để nguội, bôi lên da.

Lưu ý khi dùng quả thị

- Không nên ăn quả thị chưa chín (nhất là vào lúc đói).

- Không nên dùng quá liều các bài thuốc từ lá thị (kết quả thí nghiệm cho thấy dịch chiết lá thị dùng với liều nhỏ làm tăng biên độ tim nhưng nếu dùng với liều lớn sẽ làm giãn mạch, hạ huyết áp, yếu tim, loạn nhịp tim và ngừng tim).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer