Những công dụng ít người biết đến của cây hoa gạo

Tháng ba là mùa của hoa gạo. Ngoài là loại cây mang bóng mát, trổ hoa rực rỡ, nhiều bộ phận của cây hoa gạo còn có tác dụng chữa bệnh một cách hữu hiệu.
10/03/2021 05:47

Tác dụng chữa bệnh của cây hoa gạo

Cây hoa gạo, tương tự như các loài cây khác trong chi Bombax, còn có tên gọi khác là mộc miên, hoặc hồng miên và người Tây Nguyên gọi là cây Pơ-lang.

Cây gạo xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng làng quê ở Việt Nam. Vào tháng ba, hoa gạo trổ bông khiến hình ảnh làng quê trở nên sinh động hơn.

Đây là loại cây thân gỗ, chiều cao từ 15 – 17m. Thân và cành đều có gai nhọn, lá kép lông chim, mỗi lá gồm khoảng 5 – 8 lá chét có phiến hình trứng dài hoặc hình mác. Lá chét rộng 4 – 5cm, dài 9 – 15cm, thường rụng sớm. Rễ của cây gạo phát triển mạnh, ăn sâu vào trong lòng đất và có độ bám khỏe.

hoa gao

Hình minh họa.

Hoa mọc ở cành nhỏ, 5 cánh và có màu đỏ. Cánh hoa dày, mềm mịn, nhị hoa có màu đỏ và chứa hạt đen ở đỉnh. Quả nang, hình thoi, trong ruột quả chứa bông. Hạt của cây có hình trứng, bên ngoài được phủ lông màu trắng mịn.

Hạt của cây hoa gạo chứa 20 – 26% chất béo đặc, stearin. Vỏ cây chứa nhiều chất nhầy. Rễ cây chứa galactose, arabinose, tannin, cephaclin, chất béo, protein, semul đỏ,…Hoa gạo chứa nhiều acid amin, pectin tanin, đường và nhiều nguyên tố vi lượng. 

Theo y học cổ truyền, hoa gạo có vị đắng chát, hơi ngọt, tính mát, tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết nên đã trở thành dược liệu sử dụng nhiều trong trị liệu, thường dùng để trị ỉa chảy, kiết lỵ.... Theo dân gian, người ta thường hái những bông hoa gạo lành lặn đem phơi hoặc sấy khô bằng lửa nhỏ cất vào lọ sành, đậy kín để dùng dần.

Ngoài hoa, các bộ phận khác của cây gạo cũng được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh. Trong đó vỏ thân và rễ thường được dùng chữa bệnh về xương khớp.

Vỏ thân cây gạo vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết tiêu thũng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm loét dạ dày, đi lỏng, đau khớp cổ chân và khớp gối, viêm loét ngoài da...

hoa gao 1

Hình minh họa.

Rễ gạo vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thu liễm chỉ huyết (giải nhiệt và thấp trong cơ thể, cầm máu băng se vết thương).

Một số bài thuốc từ cây hoa gạo

Chữa ho có đờm: Hoa gạo 15g, rau diếp cá 15g, tang bạch bì 10g sắc với 750ml nước, đun nhỏ lửa còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày, dùng liền 5 ngày liên tiếp.

Chữa rối loạn tiêu hóa: Hoa gạo 30g, rửa sạch, đổ 550ml nước đun nhỏ lửa, sắc kỹ còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. 

Chữa mụn nhọt sưng tấy: Lấy hoa gạo tươi, giã nát đắp vào nơi có mụn nhọt đang sưng tấy. Ngày đắp 1 – 2 lần sẽ hết đau nhức, chóng lành.

Giảm đau nhức xương khớp, đau cơ: Vỏ thân cây gạo tươi 50g, cạo bỏ lớp vỏ bẩn bên ngoài, thái mỏng, giã nát, thêm giấm thanh, trộn đều rồi băng đắp vào chỗ đau.

Chữa bong gân nhẹ: Vỏ thân cây gạo tươi, rau má tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, bốn thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, băng đắp vào chỗ sưng đau. Hoặc vỏ cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g (sao vàng), sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương. Hoặc vỏ thân cây gạo 100g, củ nghệ vàng già 100g. Vỏ gạo cạo bỏ vỏ bẩn ở ngoài, băm nhỏ, giã nát với nghệ thái mỏng, dùng dấm thanh và rượu cho vào sao rồi chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng.

Viêm khớp mạn tính, đau lưng và đau gối mạn tính: Rễ gạo 30-60g , sắc hoặc ngâm rượu uống.

Chữa đau răng: Vỏ thân cây gạo 20g sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.

Lưu ý: Bài viết mang tính chất tham khảo.

Hồng Đăng (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer