Những điều cần biết về viêm xoang trán

Viêm xoang trán là một bệnh khá phổ biến hiện nay. Bệnh dai dẳng và rất dễ tái đi tái lại nhiều lần, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống xung quanh của người mắc. Vậy triệu chứng của viêm xoang trán là gì? Viêm xoang trán có nguy hiểm không?
23/03/2023 14:32

Viêm xoang trán là gì?

Xoang trán gồm 2 khoang nhỏ chứa đầy không khí nằm ngay trên ổ mắt, tương ứng với vị trí vùng lông mày. Bình thường xoang trán tiết ra một ít chất nhầy chảy qua đường mũi. Khi bị viêm hoặc nhiễm trùng, chất nhầy không thoát ra được bít tắc lại trong xoang. Dẫn đến tăng áp lực quanh mắt và trán.

Trong các thể viêm xoang, thì viêm xoang trán hay gặp hơn cả. Đây là một bệnh phổ biến và rất dễ phát sinh. Đặc biệt là vào mùa thu đông khi thời tiết lạnh và khô hanh.

Những điều cần biết về viêm xoang trán. Ảnh: Thầy thuốc Việt Nam

Những điều cần biết về viêm xoang trán. Ảnh: Thầy thuốc Việt Nam

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm xoang trán là nhiễm virus như virus cúm, á cúm… Nếu viêm xoang trán cấp tính do virus có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần. Ngược lại viêm xoang trán do vi khuẩn ít gặp hơn, có thể cần dùng kháng sinh để điều trị. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây viêm xoang trán như dị ứng, polyp mũi, lệch vách ngăn mũi…

Gọi là viêm xoang trán cấp tính khi các triệu chứng viêm xoang diễn ra dưới 4 tuần. Còn nếu kéo dài trên 12 tuần sẽ trở thành viêm xoang trán mạn tính.

Biểu hiện của viêm xoang trán

Đau nhức quanh mắt hoặc trán là triệu chứng phổ biến nhất của viêm xoang trán cấp tính. Những cơn đau này đặc trưng được mô tả là đau phía trên ổ mắt, đau nhức dọc 2 bên cung mày.

Có thể đau một bên hoặc 2 bên xoang và theo chu kỳ mỗi ngày. Cơn đau tăng dần từ sáng đến giữa trưa thì đạt mức tối đa. Lúc đó mũi chảy ra nhiều dịch mủ, áp lực trong xoang vơi đi và cơn đau dịu xuống. Đến chiều lại tái diễn cơn đau đó. Đôi khi đau kèm chảy nước mắt, vận động con ngươi mắt cũng đau. Thậm chí cảm giác đau lan ra ngoài bề mặt da. Tình trạng đau nhức này trở nên tồi tệ hơn khi nằm ngửa.

Các dấu hiệu khác của viêm xoang trán bao gồm: Chảy nước mũi; Ho, đau họng; Nghẹt mũi; Giảm khứu giác; Hơi thở có mùi hôi khó chịu; Sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38,5 độ C; Mệt mỏi, đau khắp người.

Các triệu chứng viêm xoang trán có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu người bệnh mệt mỏi, sốt, đau nhức mình mẩy kèm đau họng có nhiều khả năng do nhiễm virus. Nghi ngờ viêm xoang do vi khuẩn khi các triệu chứng không cải thiện hoặc nặng hơn sau 10 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một vài tháng, viêm xoang trán có thể là hậu quả của một bất thường giải phẫu. Chẳng hạn như lệch vách ngăn mũi hoặc polyp mũi.

Viêm xoang trán có nguy hiểm không?

Trong số các loại viêm xoang thì viêm xoang trán dễ dẫn tới biến chứng nội sọ nhất. Các biến chứng nội sọ đó bao gồm viêm màng não, áp xe não, viêm ngoài màng cứng, viêm não và huyết khối tĩnh mạch xoang hang. Khi gặp các biến chứng nội sọ này, người bệnh có thể biểu hiện rối loạn ý thức hoặc có các dấu hiệu thần kinh khu trú. Nếu không được điều trị kịp thời khả năng dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh.

Chẩn đoán bệnh viêm xoang trán

Chụp CT, MRI: Các phương pháp này đều có thể được áp dụng để chẩn đoán viêm xoang trán, từ những hình ảnh thu được có thể quan sát rõ được tình trạng viêm nhiễm xuất huyết trong các hốc xoang. Một số trường hợp có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Nội soi mũi: Được chỉ định khi bệnh nhân bị viêm xoang kéo dài, dai dẳng hoặc bị tái phát quá nhiều lần. Một ống nội soi nhỏ có gắn camera trên đầu do đưa vào vùng mũi, giúp quan sát tình trạng cụ thể các xoang.

Điều trị viêm xoang trán như thế nào?

Mục tiêu điều trị

Giảm phù nề hoặc giảm viêm ở mũi xoang, tăng dẫn lưu xoang và giữ cho các xoang được thông. Kết hợp với giới hạn tình trạng nhiễm trùng và điều trị nhiễm trùng nếu có.

Các thuốc được sử dụng

Người ta thường dùng các chất làm thông mũi như phenylephrine, alconefrin, duration và corticoid dạng xịt như fluticasone, flonase… Tuy nhiên đấy chỉ là biện pháp tạm thời. Hơn nữa nếu dùng quá liều có thể có các triệu chứng như hoa mắt, đau đầu, tăng nhịp tim, lo lắng bồn chồn, mất ngủ. Sử dụng thuốc thông mũi kéo dài cũng có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc thuốc.

Song song với đó, rửa mũi xoang cũng là biện pháp rất cần thiết để quá trình điều trị viêm xoang mau đạt hiệu quả. Việc rửa mũi đúng cách sẽ giúp rửa sạch chất nhầy và các chất gây dị ứng, làm người bệnh giảm bớt tình trạng khó chịu.

Điều trị viêm xoang trán như thế nào? Ảnh: Thầy thuốc Việt Nam

Điều trị viêm xoang trán như thế nào? Ảnh: Thầy thuốc Việt Nam

Điều trị theo nguyên nhân

Viêm xoang trán cấp tính do nhiễm virus có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Kế hoạch điều trị bao gồm nghỉ ngơi nâng cao thể trạng. Uống nhiều nước và sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc thông mũi để cải thiện triệu chứng.

Nếu tình trạng viêm xoang do vi khuẩn, ngoài các biện pháp điều trị triệu chứng của bệnh, có thể cần sử dụng kháng sinh. Ưu tiên dùng kháng sinh nhóm betalactam hoặc quilonone hô hấp.

Nếu viêm xoang trán do dị ứng, nên tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Kèm theo đó sử dụng thuốc kháng histamin, liệu pháp miễn dịch hoặc giải mẫn cảm để điều trị.

Phẫu thuật xoang trán được thực hiện để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa tối đa. Hoặc do các nguyên nhân bất thường giải phẫu như polyp mũi, lệch vách ngăn mũi… Một số trường hợp viêm xoang trán cấp tính tái phát (ít nhất 3-4 lần/năm) hay do nấm cũng được cân nhắc phẫu thuật để điều trị.

Bên cạnh đó, người bệnh nên tích cực uống nước giúp dịch tiết mũi xoang loãng và chảy ra ngoài được dễ dàng hơn. Một vài biện pháp dân gian như xông hơi mũi xoang có thể cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng và kéo dài cần được điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa một cách thích hợp.

Chế độ ăn cho người viêm xoang trán

Thực tế chưa có khuyến nghị chế độ ăn cho người bị viêm xoang trán, nên ăn gì và không nên ăn gì? Qua thực tế, thăm khám lâm sàng cho thấy, một số lạoi đồ ăn, thức uống gây kích ứng niêm mạc mũi, họng làm cho các tình trạng viêm trở nên nặng nề hơn. Một số thực phẩm khác có thể giúp cải thiện các triệu chứng này.

Người bệnh viêm xoang trán không nên ăn

- Các thực phẩm cay do dễ kích thích niêm mạc mũi, gây khó chịu cho người bệnh.

- Một số loại hải sản: Với những người bị dị ứng hải sản có thể xuất hiện tình trạng phù nề niêm mạc mũi,họng, đường thở chít hẹp làm tăng tình trạng khó thở.

Người bệnh viêm xoang trán nên ăn

- Các gia vị giàu tính chống viêm như gừng, tỏi vào các bữa ăn hàng ngày. Điều này không chỉ giúp tăng sức đề kháng của cơ thể mà còn cực kì hiệu quả để giảm các chứng viêm xoang.

- Uống các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà gừng, trà bạc hà… cũng có chứa lượng lớn các hoạt chất chống viêm, cải thiện biểu hiện của viêm xoang.

- Ăn nhiều trái cây, đặc biệt các loại quả họ cam: Do chứa nhiều vitamin C, mọng nước rất tốt để bồi bổ cơ thể và sức khỏe, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Theo Hội Nội khoa Việt Nam

comment Bình luận

largeer