Những điều kiêng kỵ khi đi tảo mộ vào Tết Thanh Minh

Tết Thanh Minh là một trong những ngày Tết đặc biệt trong văn hóa của người Việt, là dịp để con cháu thể hiện sự tưởng nhớ biết ơn những người thân đã khuất. Trong ngày này, mọi người đi tảo mộ cần chú ý một số điều được cho là kiêng kỵ.
02/03/2021 16:17

Trả lời trên Vietnamnet, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, cứ vào khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm, có một tiết gọi là tiết Thanh Minh.

Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, Thanh là khí trong, còn Minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh Minh.

Tiết Thanh Minh kéo dài khoảng 15-16 ngày. Người xưa chọn ngày đầu của tiết Thanh minh để làm Tết Thanh Minh. Ông bà ta xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.

thanh minh

Hình minh họa.

Nhân lúc đi Thanh Minh tảo mộ, để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là Đạp Thanh.

Mang ý nghĩa hướng về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, song khi đi tảo mộ vào Tết Thanh Minh, chúng ta cần chú ý để tránh phạm phải những điều cấm kỵ dưới đây:

Không nói tục chửi bậy, ăn mặc không kín đáo khi đi tảo mộ: Vì nghĩa trang là nơi trang nghiêm, cần sự yên tĩnh, là nơi người đã khuất yên nghỉ. Do đó, nếu nói tục, chửi vậy, ăn mặc hở hang chính là không tôn trọng người quá cố.

Phụ nữ mang thai, phụ nữ "đến tháng" không nên đi tảo mộ: Theo dân gian, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kì hành kinh không được đi tảo mộ, nhất là khoảng thời gian sau 3 giờ chiều tuyệt đối không được tham gia vào các hoạt động này. Không tính đến vấn đề phong thủy, cơ thể phụ nữ thời điểm này rất yếu ớt, dễ bị nhiễm lạnh và khí độc nơi nghĩa trang, mộ phần. Những người có khí trường hay sức khỏe yếu đi tảo mộ về, khi vào nhà nên bước qua chậu lửa hoặc tắm nước lá bưởi để xua đi những trường khí độc.

Không nên đi tảo mộ sau 3 giờ chiều: Chúng ta nên đi tảo mộ vào thời điểm mà dương khí khá vượng, từ 9h sáng tới khoảng trước 3h chiều. Đây là khoảng thời gian tốt nhất dương khí dồi dào mà sắc trời thường quang đãng, thuận lợi cho việc tiến hành tế lễ. Thời điểm trước 9h sáng và sau 3h chiều, âm khí dần tăng lên, không tốt cho những ai đang có vận khí xấu hay sức khỏe suy giảm.

Không chạy nhảy, đi vệ sinh bừa bãi và kinh động đến hương hồn người khác: Vì là nơi yên nghỉ của người đã khuất nên nơi này mang không khí vô cùng tĩnh lặng, trang nghiêm. Khi đi tảo mộ, chúng ta không được đi lại, chạy nhảy lung tung, tiểu tiện bừa bãi. Khi đi ngang qua mộ phần của người khác, không được dẫm chân lên bia mộ. Không được tùy tiện động vào đồ tế lễ đặt trên mộ phần người khác, nếu lỡ vô ý chạm phải, nên thành tâm khấn vái xin hương hồn họ thứ lỗi. Gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý trông chừng các bé cẩn thận. Trong khu tế lễ, nên chú ý kiểm soát thái độ, cảm xúc của bản thân, giữ lòng thành kính, tránh làm kinh động đến hương hồn người đã khuất. 

Kiêng chụp ảnh khi đi tảo mộ: Mục đích đi tảo mộ là để lễ tạ tổ tiên, chúng ta cần thể hiện thái độ tôn kính với người đã khuất, không nên chụp ảnh tập thể, thậm chí ảnh quang cảnh quanh đó cũng không được, kẻo sẽ nhiễm trường khí không tốt, gây mất cân bằng âm dương, ảnh hưởng xấu tới vận thế của mỗi người.

Ngoài ra, khi đi tảo mộ, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng đồ lễ cúng bái tổ tiên, dọn dẹp sạch sẽ cho mộ phần người thân đã khuất để bày tỏ lòng biết ơn.

Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, theo tín ngưỡng dân gian và không có căn cứ khoa học.

Huỳnh Anh (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer