Phụ nữ mang thai có được chạy bộ không?

Khi mang thai, chị em phụ nữ được khuyến cáo không nên vận động mạnh như chạy, nhảy... vì có thể gây ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại chỉ ra những tác dụng của việc chạy bộ đối với phụ nữ mang thai.
18/03/2021 14:47

Phụ nữ mang thai có được chạy bộ không?

Nếu như trước đây, các bà các mẹ luôn kiêng cữ vận động nhiều khi mang thai vì lo sợ có thể gây sảy thai, sinh non và nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé. Thì hiện nay, theo y học hiện đại, các nghiên cứu lại cho thấy phụ nữ mang thai hưởng nhiều lợi ích từ hoạt động thể chất thường xuyên. Tuy nhiên, kế hoạch tập luyện của các bà bầu sẽ đặc biệt hơn. 

Theo chuyên gia sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John (Mỹ) cho biết: “Tập thể dục trong thai kỳ nên là một phần trong thói quen hàng ngày của mọi phụ nữ mang thai. Mang thai ảnh hưởng đến sự ổn định, cân bằng và phối hợp của khớp, và hoạt động thể chất gây ra dao động nhịp tim nên đòi hỏi phải có chương trình luyện tập phù hợp, an toàn".

Một nghiên cứu được công bố bởi Viện Khoa học Chuyển động và Y học Thể thao tại Đại học Geneva, Geneva, Thụy Sĩ, cho thấy, hoạt động thể chất thường xuyên đã được chứng minh là mang lại lợi ích rõ rệt cho mẹ và thai nhi.

chay bo khi mang thai

Hình minh họa.

Cụ thể, khi mang thai, cơ thể của người phụ nữ sẽ có rất nhiều thay đổi. Mẹ bầu có thể gặp phải sự mệt mỏi, hội chứng “sương mù não”, thay đổi tâm trạng và tăng cân. Việc vận động sẽ giúp tâm lý và tinh thần và bầu thoải mái hơn nhưng cần điều chỉnh cường độ tập luyện phù hợp. 

Bà bầu vẫn có thể kết hợp chạy bộ với nhiều hoạt động khác, chẳng han như bơi lội, yoga bầu hoặc đi bộ. 

Ngoài ra, tập thể dục khi mang thai có thể giảm một số vấn đề như táo bón, đau lưng, mệt mỏi và giúp kiểm soát cân nặng. Thói quen lành mạnh này cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tiền sản giật, hỗ trợ kích thích cơ thể sản xuất endorphin. Đây là hormone giúp cải thiện tâm trạng, hạn chế chứng trầm cảm sau sinh.

Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), phụ nữ mang thai nên tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần. Đây là những bài tập giúp tăng nhịp tim của bạn và gây đổ mồ hôi, bao gồm cả chạy.

Tuy nhiên, phụ nữ trước khi mang thai đã có thói quen vận động thì nên tiếp tục chạy bộ với cường độ phù hợp. Còn với những người lười vận động trước đó thì mang thai không phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu chạy bộ.

Lưu ý: Khi có bất thường xảy ra như đau chân, chảy máu âm đạo, đau bụng, phụ nữ tuyệt đối không nên tiếp tục chạy bộ và phải đến bác sĩ để kiểm tra, thăm khám kịp thời.

Làm thế nào để chạy bộ an toàn?

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ mang thai sẽ bị mất cân đối khi phải chịu thêm cả sức nặng của thai nhi. Nếu không có biện pháp, chế độ và tư thế chạy phù hợp sẽ khiến nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Nên lựa chọn đôi giày chạy vừa chân, êm ái, không bị trơn trượt để không bị cảm giác khó chịu, đau chân khi chạy. Mặc quần áo thoáng mát, co giãn, thấm mồ hôi tốt.

Điều hòa nhiệt độ cơ thể là một trong những mẹo chạy bộ an toàn khi mang thai. Khi bạn cảm thấy nóng bừng, và cơ thể toát nhiều mồ hôi hơn bình thường, đó là phản ứng sinh lý học trong cơ thể nhằm giúp cho hạ nhiệt cho các cơ. Khi thấy cơ thể trở nên nóng bừng như vậy, hãy điều hòa nhiệt độ cơ thể trở về mức bình thường bằng cách uống nước, dừng lại hít thở, nghỉ ngơi.

Người có tiền sử sảy thai, tử cung thấp... tuyệt đối không nên chạy bộ.

Tốt nhất, trước khi đưa ra quyết định có nên thực hiện chạy bộ trong thai kỳ hay không, các mẹ bầu nên tư vấn bác sĩ để được chỉ dẫn tốt nhất.  

 Hình Như (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer