Quảng Bình tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại

Ngày 20/3, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành công điện số 01/CĐ-UBND về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
21/03/2024 16:43

Để chủ động kiểm soát có hiệu quả bệnh Dại trên động vật, hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người; thực hiện Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại, UBND tỉnh yêu cầu:

Các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 (Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021), Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 và Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2030 (Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 15/3/2022), Kế hoạch số 2349/KH-UBND ngày 16/11/2023, Công văn số 392/UBND-KT ngày 8/3/2024.

UBND các huyện, thành phố, thị xã

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân tuân thủ chấp hành quy định của pháp luật trong việc nuôi và quản lý chó, mèo, đặc biệt tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo; nguy cơ, tác hại và biện pháp phòng, chống bệnh dại; thực hiện tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật cắn, đặc biệt là chó, mèo. Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

quangbinh

(Ảnh minh họa: Vnexpress)

Khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh về việc tổ chức tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm năm 2024, đặc biệt vaccine phòng bệnh dại đảm bảo tỷ lệ đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo.

Tăng cường công tác quản lý chó, mèo; rà soát, thống kê số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo để thực hiện tiêm phòng vaccine. Bố trí kinh phí hỗ trợ mua vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đảm bảo kế hoạch. Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại; không được thả rông chó, mèo; khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người xung quanh (đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và vệ sinh môi trường.

Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan, đặc biệt cơ quan y tế, thú y phối hợp giám sát bệnh dại, phát hiện sớm, cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng chống kịp thời. Thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về số hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại tại tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xã và tình hình bệnh Dại lên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật (VAHIS).

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã tổ chức các tổ, đội bắt giữ chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; chủ hộ nuôi chó, mèo không thực hiện tiêm phòng vaccine theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát tình hình bệnh dại động vật; kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi có ổ dịch bệnh dại động vật, có nguy cơ lây nhiễm sang người.

Tổ chức giám sát, chia sẻ thông tin, phối hợp ngành y tế điều tra, xử lý ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ thấp; hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại và quản lý chó mèo. Tổng hợp, báo cáo tình hình, chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch phòng chống bệnh Dại năm 2024 và các năm tiếp theo (nếu cần thiết), hoàn thành trước ngày 15/4/2024.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dại các tháng đầu năm 2024, hoàn thành trước ngày 25/3/2024.

Sở Y tế:

Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện truyền thông công tác phòng, chống bệnh dại trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại để người dân biết, thực hiện, lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi chó không thực hiện quy định về nuôi, quản lý chó để chó cắn người dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên động vật; căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của bệnh dại để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống có hiệu quả.

Minh Tú

comment Bình luận

largeer