Xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo

Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo. Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
28/04/2024 17:36

Chiều ngày 27/4, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo “Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon”. Đây là một trong các sự kiện bên lề chào mừng Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện khí).

Theo các quy hoạch được lập: Điện gió trên đất liền tiềm năng phát triển đến năm 2030 hơn 1.429MW; điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi tiềm năng phát triển 21.000MW; điện mặt trời tiềm năng phát triển khoảng 8.448MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, đến năm 2030 phát triển 1.500MW; thủy điện tích năng tiềm năng phát triển 7.000MW, đến năm 2030 phát triển 2.400MW; điện mặt trời mái nhà tiềm năng phát triển hơn 149MW, đến năm 2030 phát triển 21MW.

Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội thảo

Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải các-bon để sản xuất hydrogen xanh. Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng, Năng lượng tái tạo của cả nước.

Theo ông Phạm Văn Hậu, đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.

Tỉnh Ninh Thuận đã tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ,... Đồng thời đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực để xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước nước.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng xanh.

“Ninh Thuận sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất hydrogen, đồng thời cũng là điểm nhấn quan trọng để Chính phủ kỳ vọng, tin tưởng lựa chọn Ninh Thuận là nơi sẽ đặt Trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ”, ông Phạm Văn Hậu khẳng định và kỳ vọng.

Hội thảo “Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon”

Hội thảo “Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon”

Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận tin tưởng qua hội thảo “Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon”, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để cùng chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm triển khai, tiêu chuẩn quốc tế về dự án Hydrogen xanh và Khu công nghiệp net zero, kinh nghiệm quốc tế hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

“Thông qua Hội thảo, chúng ta có thể nhìn rõ thị trường Hydrogen Việt Nam và thực tế xây dựng, phát triển dự án trong thời gian từ đây đến 2030”, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận nhận định và kỳ vọng các dự án hydrogen sẽ được hiện thực hóa, không còn là câu chuyện trên giấy mà đi vào thực tế qua việc chung tay giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước.

Cao Ánh

comment Bình luận

largeer