Quảng Ninh: Cảnh báo tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng ở độ tuổi là học sinh, sinh viên

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý rất phổ biến. Theo Hội khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Đặc biệt trong những năm gần đây bệnh đang dần trẻ hóa.
20/06/2023 10:29

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương ăn mòn vượt qua lớp cơ niêm mạc do tác động của acid dạ dày.

Các nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày như:

a0fd90589a884bd61299

- Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori)

- Do sử dụng một số loại thuốc giảm đau chống viêm như: NSAIDS, aspirin…

- Do stress

- Do một số bệnh lý nhiễm trùng, tự miễn khác…

Những đối tượng dễ mắc viêm loét dạ dày tá tràng như:

- Hay lo âu, căng thẳng

- Chế độ ăn uống nghỉ ngơi không hợp lý

- Hay sử dụng đồ uống có cồn, có gas, rượu bia thuốc lá

- Hay có thói quen ăn đồ chua cay nóng.

Đây cũng là những yếu tố hay gặp gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở người trẻ tuổi, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên hiện tại bệnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở lứa tuổi này. Nhiều trường hợp chỉ khi có các biểu hiện đau bụng vùng thượng vị nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, âm ỉ, dai dẳng nhiều ngày, nôn, ăn uống kém, hoặc thậm chí có biến chứng xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu, đại tiện phân đen mới được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Có thể kể đến 2 trường hợp gần nhất nhập viện tại khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí là trường hợp em N.P.S và N.Đ.H.N đều sinh năm 2005. Hai trường hợp này nhập viện khi đang trong quá trình ôn thi căng thẳng, cùng với thói quen hay ăn đồ ăn nhanh, uống nước có ga, đồ chua cay nóng, chưa đi khám bệnh lý dạ dày tá tràng bao giờ. Chỉ đến khi có biểu hiện nôn ra máu mới nhập viện điều trị. Cả hai đều được điều trị tích cực, nội soi dạ dày tá tràng chẩn đoán và điều trị. Trong quá trình điều trị các bác sĩ thấy rằng có ổ loét ở hành tá tràng tương đối sâu, đều có điểm mạch chảy máu. Sau khi can thiệp cầm máu qua nội soi, sức khỏe cả hai ổn định và đã được xuất viện.

Qua đây các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt các bậc phụ huynh không nên chủ quan với thói quen ăn uống sinh hoạt của trẻ, cũng như nên lưu ý rằng bệnh lý dạ dày - tá tràng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Cần tạo cho trẻ thói quen ăn uống: ăn đúng bữa, hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ chua cay nóng, thức uống có ga. Bên cạnh đó là thiết lập chế độ nghỉ ngơi và học tập khoa học, hợp lý. Khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn ra máu, đại tiện phân đen… cần đưa trẻ đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc đến sức khỏe và tính mạng.

Theo Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí

comment Bình luận

largeer