Quảng Ninh: Phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân với vết thương thấu bụng do bị đâm bởi vật sắc nhọn

Đêm ngày ngày 30/1/2024, khoa Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân với vết thương thấu bụng do bị đâm bởi vật sắc nhọn.
03/02/2024 18:56

Bệnh nhân P.V.T, 21 tuổi, trú tại phường Tân An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, theo lời kể của người nhà, cách thời gian vào viện 30 phút, bệnh nhân bị dao nhọn đâm, có vết thương thấu bụng, chảy máu nhiều được người nhà sơ cứu băng ép  vết thương bằng vải sạch, chuyển đến Trung tâm Y tế bằng ô tô.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đi siêu âm và chụp X-quang ổ bụng để đánh giá mức độ tổn thương. Bệnh nhân được chẩn đoán: Vết thương thấu bụng và được chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp.

424810278_259813733813039_7552458224084974523_n

Ekíp phẫu thuật cho bệnh nhân

Kíp phẫu thuật do BSCKI. Hoàng Dũng, Trưởng khoa Ngoại trực tiếp đảm nhận, bệnh nhân được mổ mở bụng đường trắng giữa trên và dưới rốn 15cm, vào bụng quan sát thấy nhiều máu, kiểm tra tổn thương thấy rách mạc nối lớn, rách hỗng tràng kích thước xấp xỉ 0,5cm. Các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu mạc nối lớn, khâu hỗng tràng và lau rửa sạch ổ bụng. Kiểm tra toàn bộ ổ bụng không thấy tổn thương các tạng khác. Diễn biến sau mổ của bệnh nhân thuận lợi, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, huyết động ổn định, tự thở tốt ngay sáng ngày hôm sau.

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân tốt, hô hấp bình thường, đang được nằm tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại - Trung tâm Y tế.

Chấn thương bụng và vết thương bụng là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm 10 - 13% tổng số mổ cấp cứu do chấn thương và vết thương nói chung. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như tính chất của vết thương (gọn, sạch do vật sắc nhọn, bẩn – phức tạp nếu do hỏa khí…), thăm khám toàn trạng (sốc mất máu, nhiễm trùng), thăm khám thực thể bụng ngoại khoa và các thăm dò cận lâm sàng như siêu âm ổ bụng, X_quang bụng không chuẩn bị, cắt lớp vi tính ổ bụng, tổng phân tích máu, sinh hóa máu…

Các bác sĩ khuyến cáo người dân: khi sơ cứu vết thương thấu bụng, cần thực hiện các bước sau: đưa bệnh nhân đến nơi an toàn, để người bệnh nằm nghiêng nếu bệnh nhân có nôn, thực hiện khai thông đường thở và hô hấp nhân tạo kết hợp ép tim ngoài lồng ngực nếu có ngừng tuần hoàn. Nếu thấy có lòi tạng và mạc nối lớn ra khỏi thành bụng tuyệt đối không cố gắng đẩy vào trong mà cần dùng bát sạch, chậu nhỏ sạch… úp lên trên và giữ kín để chuyển tới bệnh viện. Các dị vật, vũ khí đâm xuyên không được rút ra mà phải để nguyên. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống. Cần nghĩ đến có chấn thương bụng kín nếu có nguyên nhân sang chấn, va đập vào thành bụng, vết xây sát – bầm tím thành bụng, bệnh nhân đau bụng – chướng bụng…

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer